Gần đây, một số bạn thắc mắc về thiền ôm. Các bạn lấy link sau đây để chia sẻ cho nhau:
Thiền ôm
Theo những gì được trình bày trong bài viết, đó là cách chúng ta thực hành về một pháp môn thuộc về thiền hành. Pháp môn thầy Thích Nhất Hạnh muốn nhiều người thực hành để có được sự hòa hợp trong gia đình. Tên gọi chính của pháp môn này là hiện tại lạc trú.
Thực ra, khi nói tới thiền ôm, người ta muốn nhắc tới một phương pháp thực hành khác, khi hình ảnh nó xuất hiện đã khiến cư dân mạng xôn xao. Bức hình Đức Phật đang ôm cô gái:
Thực ra, khi nói tới thiền ôm, người ta muốn nhắc tới một phương pháp thực hành khác, khi hình ảnh nó xuất hiện đã khiến cư dân mạng xôn xao. Bức hình Đức Phật đang ôm cô gái:
Bức hình hay tượng này được lưu truyền trong Mật Tông, ở đó, tu sinh đối diện và quán chiếu để có thể thấy thế gian này là một pháp. Trái ngược với điều này, tu sinh Phật Giáo nói chung thường được mời gọi ly dục, tránh xa lạc thú. Nếu thực như thế thì đó là một cuộc trốn chạy ngoạn mục. Nhưng không, một chi của Mật Tông thực hành và đối diện với thực tế. Coi tất cả những gì của trần gian không có gì là tốt hay xấu. Tốt hay xấu là do tâm phân biệt của chúng ta mà thành. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt hưởng thụ dục lạc với tâm ô nhiễm và hưởng thụ với tâm tỉnh giác.
Còn nhớ, khi được chia sẻ về Phật Giáo, vị giáo sư của tôi đã chia sẻ rằng: nếu là tình yêu thực sự thì sự hoan lạc của đôi nam nữ sẽ giúp họ giác ngộ trong vòng 30 phút. Gác lại chuyện đó có thật hay không, nhưng đối diện với những hình ảnh trên đòi hỏi người tu sinh phải có nghị lực phi thường mới có thể vượt qua.
Muốn vượt qua được thì cần đối diện với nó. Bởi vậy mới có câu:
Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Kháp như tâm thố giác
(Lục tổ Huệ Năng)
Như vậy, tu sinh phải luôn tỉnh giác đối diện với tất cả. Coi thế gian nay là một pháp. Tu tập chính là chuyển hóa tâm thức chứ không phải khắc chế tâm thức. Nói theo kiểu tâm lý, đó là việc thăng hoa tất cả. Việc thăng hoa này giúp chúng ta thoát khỏi tâm phân biệt.
Phải ôm mới là thiền ôm
Phải ôm mới là thiền ôm
Nếu như những gì đã trình bày, phải chăng tu sinh phải ôm người khác phái mới có thể thực hành thiền ôm? Ôm thôi hay phải thoát y như cô gái trong hình đang ôm Đức Phật?
Xin thưa, thiền ôm chứ không phải ôm để thiền. Các tu sinh khi đã bước vào con đường tu tập thì không còn chuyện ân ái nữa nhưng phải đối diện với nó. Họ dùng chính hình ảnh đó để quán chiếu chứ không thực hành nó trong đời thường. Nguồn gốc của việc thực hành này có tích như sau:
Một tu sinh Mật tông vốn ở trên núi từ nhỏ nên không biết gì đến chuyện thế gian. Thế rồi một ngày, thiền sinh được thầy mình cho xuống núi. Xuống núi thấy các cô gái thật xinh, thật đẹp khiến tu sinh không thể nào tập trung tu tập, suốt ngày ra ngẩn vào ngơ. Sư phụ biết được liền đặt hình tượng một cô gái kiều diễm cho anh quán chiếu xem điểm nào khiến anh bị thu hút. Ngày qua ngày, thiền sinh nhận ra, không phải cô gái khiến bản thân bị thu hút nhưng là sắc dục ẩn tàng trong mình. Thiền sinh phải quán chiếu để thoát khỏi tâm phân biệt. Phải biết hưởng thụ dục lạc với tâm tỉnh giác. Và như thế, không nhất thiết và không cần phải ôm cô gái kia. Đích đến là không còn phân biệt nam hay nữ những khám phá ra pháp tu để có thể đạt quả giải thoát ở ngay điều mà nhiều người phải tránh né.
Thế đó, bức hình đó không phải là để người thiền sinh tưởng tượng ra cảnh dục lạc nhưng để cho dục lạc khởi lên nhưng đón nhận, làm chủ và thăng hoa nó, biết nó khơi nguồn từ đâu. Thay vị chạy trốn, tu sinh đối diện và biến nó trở thành một pháp tu giúp tu sinh đạt quả giải thoát. Đây là một pháp tu tập rất tinh tế, hiếm có người thực hành được. Song, hiện tại, ở Myanma hay Tây Tạng đã có những thiền sư phái Nam Tông thực hiện được điều này.
Xem ra, Phật Giáo có một pháp môn tu tập thật tinh tế và cao cấp. Vậy, trong Kitô giáo có ai dám đối diện như thế? Có thiền ôm trong Kitô giáo
Thiền ôm Kitô giáo
a. Kitô giáo có Thiền?
Thực ra, trong Kitô giáo vẫn có đó các hình thái thiền định nhưng được gọi dưới một cái tên khác: chiêm niệm. Có thể ví các thiền viện của Phật Giáo chính là các đan viện của Kitô giáo.
Thiền là con đường tỉnh giác, con đường mà thiền sinh tự soi vào tận thâm sâu tâm hồn mình hầu có thể giải thoát. Đỉnh cao của sự giải thoát chính là hòa đồng làm một cùng Vũ Trụ, làm một với Đại Ngã, làm một với tất cả.
Đời sống chiêm niệm của Kitô giáo cũng chính là cuộc trở về ngoạn mục để soi vào tận thâm sâu cõi lòng mình hầu có thể nhận ra Thiên Chúa ở ngay trong nơi sâu thẳm nhất của con người mình cũng như người khác. Đời sống chiêm niệm đỉnh cao là mỗi ngày nên một và nên một với Đấng Tác Thành (Xc: Ga, 17, 21-23; 1Cr 6, 11. 12, 13). Càng nên một thì chúng ta càng đón nhận tất cả và thoát khỏi tâm phân biệt để đi vào đời sống yêu thương vô bờ bến. Đời sống không còn loại trừ và không còn gì bị coi khinh.
b. Thiền ôm Kitô giáo
Như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy trong Kitô giáo có thiền nhưng mang tên gọi khác. Vậy thiền ôm thì sao? Xin thưa, trong Kitô giáo vẫn có đó thiền ôm.
1. Trong hôn nhân *
Đầu tiên, Kitô giáo tôn trọng đời sống hôn nhân và tính dục. Nhưng hôn nhân Kitô giáo diễn tả mầu nhiệm cao quý hơn là chính tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh. Tình yêu đến kỳ cùng và không phân biệt. Tình yêu trải rộng vô biên đến nỗi Hội Thánh trở thành một người phụ nữ lem luốc vì chúng ta.
Lem luốc vì dám ôm tất cả chúng ta vào trong mình để chấp nhận dính bùn hầu thanh tẩy chúng ta và biến chúng ta thành thánh. Đó chính là tâm vô phân biệt mà Giáo hội chỉ dạy cho ta. Tâm vô phân biệt này không dành riêng cho một thứ hạng người nào nhưng dành cho tất cả. Đó là một hình ảnh tuyệt diệu về một con người chấp nhận nhúng chân mình xuống bùn để biến bùn nhơ thành thứ đất màu mỡ phục vụ trồng trọt.
Nếu như phần lớn anh em Phật tử coi tính dục như là điều gì đó thấp kém thì anh em Kitô giáo chân nhận rằng: tình dục trong hôn nhân là cao quý. Ở đó, con người lìa tâm phân biệt để cả hai có thể nên một xương một thịt, như Adam khi thấy Evà liền thốt lên vui sướng: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! (xc.St 2,23) Một tình yêu và tình dục đưa đến hòa hợp trong hôn nhân. Sự hòa hợp để từ nay không còn thấy hai nhưng là một. Nếu như người Việt Nam có thể gọi vợ là mình ơi thì trong hôn nhân Kitô giáo, người vợ có thể gọi chồng: ôi Đức Kitô của lòng em, đầu của em là đây. Ngược lại, người chồng cũng có thế gọi vợ mình: ôi, thân mình của anh, sức sống của anh. Tất cả cho thấy sự hòa hợp và đồng điệu trong tâm hồn của những con người tràn ngập yêu thương lìa xa tâm phân biệt.
Chính bởi lẽ đó, hôn nhân Kitô giáo nói chung và Công Giáo nói riêng là cao quý và thánh thiêng. Hôn nhân là một ơn gọi để cụ thể hóa tình yêu và đưa con người tới sự hòa hợp, đón nhận nhau như là một cơ hội để tôi nên thánh. Hôn nhân và tình dục đúng nghĩa theo Kitô giáo là một cơ hội để nên thánh như Thiên Chúa đã phán: hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (xc. St 1,28). Quả vậy, nếu có thể so sánh, tuy rằng hơi khập khiễng, hôn nhân và tình dục theo nhãn quan Kitô giáo được ví như một pháp để con người tu tập và nên thánh, hay, theo cách nói của Phật Giáo, đạt được quả giải thoát.
2. Và những ơn gọi khác
Nếu hôn nhân và tình dục cao quý là thế, thánh thiện là thế thì những người không sống đời vợ chồng hoặc những ơn gọi khác có thể thực hành thiền ôm. Nhưng không, cũng như các thiền sinh, hết thảy Kitô hữu đều có thể thực hành thiền ôm trong chính mỗi trường của mình mà không hề sợ hãi chi.
Đầu tiên, với cái nhìn về thể xác, Kitô hữu được mời gọi mỗi ngày nhìn thân xác của mình cũng như của người khác với một cái nhìn hướng thiện. Thay vì cái nhìn dục lạc, tín hữu nhìn thấy vạn vật với một thái độ ngạc nhiên và trong trắng như trẻ thơ. Cô gái kia không còn là một cớ để tôi bị thu hút và lôi cuốn vào chuyện ham muốn tình dục nhưng là lời cảm ta tôi dâng lên Chúa. Tạ ơn Chúa đã tạo nên một kỳ công tuyệt diệu. Ôi, Tạo Hóa đã dựng nên con người kỳ diệu và đẹp biết bao.
Đẹp biết bao khi Kitô hữu nhìn ngay cả những người mua bán dâm cũng thấy được sự thánh thiện trong đó. Thay vì nhìn với một tâm sân si trách giận, người Kitô hữu cảm thán rằng: Ôi! Những thân hình mỹ miều Tạo Hóa tác thành, đền thờ của Chúa Thánh Thần sao có thể là thứ để cho người ta chà đạp. Thân xác là khí cụ, lời ngỏ của tình yêu chứ đâu phải dục lạc bản năng. Đó là lời mời gọi tín hữu xuống núi như trong cuộc biến hình trên núi Tabo. Ở đó,các ông đang say xưa về vinh quang thì Thầy mời gọi các ông xuống núi để đi vào trần gian (Mt 17, 1-9; Mc 99,2-10; Lc 9.28-36). Thế đấy, đi vào trần gian để thánh hóa và cứu lấy nó chứ không phải lìa xa nó. Đó chẳng phải là bất ly thế gian giác. Thế gian này chẳng phải là pháp để ta có thể tiến vào nước trời sao.
Thế gian là một pháp nhưng con người cũng là pháp để tu tập. Pháp hay nói đúng hơn là con đường để nên thánh. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI từng nói trong ngày lễ đăng quang: có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường nên thánh. Song, dù bao nhiêu con đường thì con đường cuối cùng vẫn là nên một.
Nên một với nhau và nên một với Thầy Giêsu trong Thiên Chúa như Người đã mời gọi:
Anh em hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Ga 15, 4-10
Ở lại cũng chính là nên một. Nên một với nhau và nên một trong Thiên Chúa
Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
Ga 17, 20-22
Nên một nghĩa là thoát khỏi tâm phân biệt dù người đó là ai đi nữa. Để thoát khỏi tâm phân biệt không gì hơn là tình yêu. Chính tình yêu giúp ta đón nhận và yêu thương tất cả. Ngay cả kẻ thù nghịch ta, ta vẫn có thể yêu thương và đón nhận không mảy may oán hờn như Thầy dạy:
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. (Mt 5, 44; Lc 6, 27.35).
Tất cả những điều đó, Kitô hữu có thể làm được nhờ đức ái vì"
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được”
(1Cor 13, 4-7).
Tựu trung, để thoát khỏi tâm phân biệt, không gì tốt hơn là tín hữu Kitô sống trong tình yêu. Tình yêu Thầy Giêsu đã dạy. Tình yêu dám hy sinh cả tính mạng của mình cho người mình yêu, ngay cả khi đó là kẻ đang thù mình hoặc là kẻ tội lỗi (xc.Rm 5,7-8). Chính vì tình yêu ấy mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người thực sự mang lấy những gì của con người để ta thấy không gì là xấu nhưng tất cả là thánh, ngay cả chuyện tình dục hay vệ sinh. Mọi thứ đều thánh và đáng trân trọng. Không có gì phải phân biệt tốt xấu bởi người dậy ta:
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Người nói với các ông: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi đi ra xuống cầu tiêu ?" Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỷ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Xc Mc 7, 15-23; Mt 15,10-20
Như thế, há chẳng phải dục lạc không làm cho ta ô uế nhưng chính là việc chúng ta thưởng thức dục lạc với tâm ô uế -ô nhiễm nên nó trở thành xấu, thành tội sao. Vì vậy, hãy thưởng thức dục lạc với tâm tỉnh thức - tâm thánh thiện để thấy rằng mọi sự đều thánh thiện, đều là nguyên cớ cho ta nên thánh và nên một với nhau trong Đức Giêsu và trong Cha của Người.
Thiền ôm của Kitô giáo là thế. Là một hình thức thiền mà mọi giới có thể thực hành không dành riêng cho người tu hành. Đó là một đời sống chiêm niệm sâu xa hầu có thể vượt thắng tâm phân biệt và thăng hoa tất cả trong tình yêu. Tình yêu hay Đức Ái Kitô giáo là sức mạnh để chúng ta thực hành thiền ôm. Ôm tất cả chẳng trừ thứ gì nhưng tự do và thênh thang trong TÌNH YÊU.
Sài Gòn 28/7/2015
-----------
* Xin đọc thêm Thần Học Thân Xác của chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II để hiểu rõ hơn
Hình ảnh sưu tầm trên internet
Đăng nhận xét