1. Ngũ hành tương sinh, tương khắc:
"Ngũ hành" là một lý luận trong triết học cổ đại Trung Hoa.
Ngũ hành chỉ sự vận động và biến hóa của 5 loại vật chất. Trong đó, "ngũ" là "Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy"; "hành" là "vận động và biến hóa".
Ban đầu Ngũ hành gắn liền với 5 thứ tài vật thường dùng (ngũ tài), đó là: Gỗ (mộc), lửa (hỏa), đất (thổ), kim loại (kim) và nước (thủy). Dần dần, tính chất cố hữu của "ngũ tài" được mở rộng và khái quát hóa, trở thành những khái niệm triết học trừu tượng, dùng để quy nạp và phân loại tất cả các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ.
Học thuyết Ngũ hành cho rằng, tất cả mọi vật đều do Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy, tạo thành. Sự phát triển và biến hóa của tất cả các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, đều là kết quả của sự vận động, biến hóa không ngừng và tác động tương hỗ của 5 loại vật chất đó tạo thành. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Ngũ hành là một hệ thống tự ổn định, gồm 5 thành phần. Do giữa các thành phần tồn tại mối quan hệ "tương sinh" và "tương khắc", mà hệ thống luôn được duy trì trong trạng thái cân bằng động.
Tương sinh là nuôi dưỡng, giúp đỡ, thúc đẩy. Quan hệ tương sinh trong Ngũ hành là: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Tương khắc là kiềm chế, chế ước. Quan hệ tương khắc trong ngũ hành là: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. Tương sinh và tương khắc là 2 mặt không thể tách rời trong mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng. Không có sinh, thì không thể nảy sinh, trưởng thành; không có khắc, sẽ dẫn tới tình trạng thái quá, không thể duy trì được trạng thái cân bằng trong quá trình vận động biến hóa.
Đông y sử dụng Ngũ hành, để quy loại, chia cơ quan tạng phủ trong thân thể thành 5 hệ thống chính: Can - Tâm - Tỳ - Phế - Thận. Mỗi hệ thống - mỗi tạng thông ứng với một hành, cụ thể: Tạng Can ứng với hành Mộc, tạng Tâm ứng với hành Hỏa, tạng Tỳ ứng với hành Thổ, tạng Phế ứng với hành Kim, tạng Thận ứng với hành Thủy. Đồng thời vận dụng tương sinh - tương khắc của Ngũ hành để mô phỏng, giải thích mối quan hệ phức tạp giữa các cơ quan trong thân thể về mặt sinh lý và bệnh lý.
Bệnh tật phát sinh và phát triển, nhiều trường hợp liên quan đến tình trạng tương sinh - tương khắc dị thường, giữa các cơ quan tạng phủ. Cho nên, khi điều trị ngoài việc tiến hành trị liệu tạng bị bệnh, còn cần tính đến mối quan hệ giữa tạng đang bị bệnh với các tạng phủ khác, để đồng thời tiến hành phòng ngừa, chữa trị.
Trên lâm sàng, Đông y đã vận dụng quy luật tương sinh - tương khắc của ngũ hành để lập ra rất nhiều các phương pháp trị liệu hữu hiệu, có giá trị thực tiễn rất lớn. Hãy tìm hiểu một số phương pháp cụ thể.
2. Bổ Thổ sinh Kim:
Người ta thường nói, lao phổi là bệnh của nhà giàu. Thầy thuốc thường dặn bệnh nhân phải chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn và ăn uống tăng thêm dinh dưỡng. Bệnh nhân lao phổi cần có một bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt, tạng Tỳ khỏe mạnh, có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn, để bổ sung cho phần năng lượng bị tiêu hao. Như vậy, lao phổi tuy là bệnh ở Phế (phổi), nhưng khi chữa trị cần đồng thời tiến hành kiện toàn tạng Tỳ (kiện Tỳ).
Theo thuyết Ngũ Hành, Tỳ thuộc hành Thổ, Phế thuộc hành Kim. Theo quy luật tương sinh: Thổ sinh Kim. Do đó, tác dụng nuôi dưỡng, hỗ trợ của Tỳ (Thổ) đối với Phế (Kim), Đông y còn gọi là "Thổ sinh Kim". Tỳ là cơ quan có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, đưa lên Phế, rồi phân bố đến các cơ quan khác, để duy trì các hoạt động sinh lý của cơ thể. Do đó, tạng Tỳ còn được mệnh danh là "nguồn gốc của sự hóa sinh" (sinh hóa chi nguyên). Còn Phế là một tạng chủ quản chức năng hô hấp, đảm nhiệm việc trao đổi khí giữa các cơ quan bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài. Do đó, Đông y gọi tạng Phế là cơ quan "chủ khí".
Hoạt động sinh lý của tạng Phế có liên quan mật thiết với quá trình bổ sung dinh dưỡng từ thức ăn thức uống hàng ngày. Do đó sự thịnh suy của tạng Phế, phụ thuộc rất nhiều vào các chức năng của tạng Tỳ. Quan sát lâm sàng cho thấy, khi tạng Tỳ bị suy yếu, chức năng vận hóa thủy thấp bị trục trặc, đàm ẩm tích đọng trong cơ thể, thường dẫn đến bệnh lý ở Phế. Trong những trường hợp như vậy, dùng phép bổ Tỳ, khiến cho chức năng của Tỳ được kiện toàn, thì bệnh lý ở tạng Phế cũng thuyên giảm dần. Phương pháp kiện Tỳ để cải thiện bệnh tình ở Phế, trong Đông y gọi là "Bổ Thổ sinh Kim", hoặc gọi là "Bổ Tỳ ích Phế".
Như vậy, "Bổ Thổ sinh Kim" là phương pháp chữa bệnh dựa theo quy luật tương sinh của Ngũ hành; dùng các vị thuốc, bài thuốc có tác dụng bồi bổ Tỳ vị, để chữa trị các bệnh ở Phế. Trên lâm sàng, thường sử dụng để chữa trị viêm khí quản mạn tính, hen suyễn tái đi tái lại, phế khí thũng, ... biểu hiện bởi những chứng trạng như như ho, suyễn thở, đờm nhiều mà loãng, kèm theo kém ăn, đại tiện lỏng loãng, chân tay bải hoải, ...
Số liệu thống kê lâm sàng tại một số bệnh viện ở Trung Quốc cho thấy, khi dùng thuốc Đông y để điều trị viêm khí quản mạn tính và phế khí thũng, nếu chỉ sử dụng các loại thuốc chữa bệnh ở Phế, hiệu quả nói chung không rõ ràng. Nếu dùng phép "Bổ Thổ sinh Kim", sử dụng chủ yếu các loại thuốc kiện Tỳ táo thấp, như hậu phác, thương truật, bán hạ, trần bì, ... thì hiệu quả trị liệu tương ứng có thể lên tới 75% (với viêm khí quản mạn) và 80% (phế khí thũng).
3. Bệnh ở Phế, tập trung chữa ở Tỳ:
Bệnh viêm khí quản mạn tính, trên lâm sàng được Đông y phân chia thành một số "thể bệnh". Trong "Thể Tỳ hư", lượng đờm bài tiết tương đối nhiều, đờm trong loãng và có màu trắng, chứng tỏ các tuyến trên đường hô hấp gia tăng tiết xuất. Kiểm tra khí quản và phế quản, có thể thấy các tổ chức tuyến tăng sinh, phì đại, phân tiết mạnh, dịch phân tiết tích đọng lại trên đường hô hấp (viêm khí quản thuộc các thể bệnh khác không thấy có hiện tượng như vậy). Nếu sử dụng các vị thuốc bổ Tỳ ích khí, để tăng cường chức năng vận hóa thủy thấp của tạng Tỳ, thì trở lực trên đường hô hấp giảm bớt, đường hô hấp sẽ được thông suốt. Như vậy có thể thấy, "kiện Tỳ" có tác dụng điều tiết chức năng phân tiết của các tuyến trên đường hô hấp, khiến cho lượng niêm dịch phân tiết giảm bớt và bệnh tình sẽ được cải thiện.
Một ví dụ khác. Khi chữa bệnh lao phổi, nhất là trong giai đoạn cuối, kèm theo viêm khí quản ho nhiều đờm, ho ra máu, ... nếu thấy có kèm theo các triệu chứng kém ăn và đại tiện lỏng, thì nên sử dụng phép "Bổ Thổ sinh Kim". Khi đó, nếu chỉ dùng các loại thuốc nhuận phế chỉ khái hoặc bổ phế chỉ khái, thì không những vô hiệu, mà còn khiến cho tình trạng kém ăn và đại tiện lỏng càng thêm trầm trọng. Vì thuốc nhuận Phế thường làm hoạt trường, thuốc bổ Phế thường trở ngại đến chức năng của Tỳ vị.
Về phương diện bệnh lý, bệnh biến tuy diễn ra chủ yếu ở Phế (phổi), nhưng căn nguyên lại từ Tỳ. Trong trường hợp này, nếu dùng loại thuốc có tác dụng kiện Tỳ, để kiện toàn chức năng tiêu hóa, ăn uống tăng lên, hiện tượng ỉa lỏng cũng sẽ tự nhiên khỏi. Nhờ sự nuôi dưỡng của các chất tinh vi từ thủy cốc (thức ăn thức uống), Phế khí sẽ tự nhiên hồi phục. Ho nhiều đờm, ho ra máu, không chữa mà tự nhiên khỏi. Bài thuốc thường trong trường hợp này là "Sâm linh bạch truật tán" (gồm liên nhục 10g, ý dĩ nhân 10g, sa nhân 6g, cát cánh 10g, bạch biển đậu 15g, bạch phục linh 20g, nhân sâm 10g, cam thảo 5g, bạch truật 10g, sơn dược 20g).
Một ví dụ khác nữa. Trong ung thư phổi, có tới một nửa số bệnh nhân thuộc thể bệnh "Tỳ hư đàm thấp". Thể bệnh này thường biểu hiện bởi những triệu chứng, như tinh thần mệt mỏi, ngực ngột ngạt, kém ăn, bụng trướng, đại tiện lỏng, sắc mặt trắng nhợt, ho nhiều đờm, đờm loãng có màu trắng, động một chút là mồ hôi vã ra như tắm, thở gấp, lưỡi bệu có vết răng, hoặc chất lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hoãn hoặc nhu. Đông y cho rằng, nguyên nhân là do "Tỳ khí hư nhược", chức năng vận hóa bị trục trặc, "Thổ không sinh Kim", khiến cho Phế Kim bị hư tổn mà sinh bệnh. Để chữa trị Đông y thường dùng các vị thuốc có tác dụng kiện Tỳ hóa đàm thấp, kết hợp với một số vị thuốc có tác dụng kiềm chế ung thư phổi. Một số những vị thuốc thông dụng là đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, phục linh, trạch tả, ý dĩ nhân, trần bì, bạch hoa xà thiệt thảo, ngư tinh thảo, huyết dụ.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy, "Bổ Thổ sinh Kim" là phương pháp chữa bệnh có căn cứ khoa học nhất định. Và cũng vì vậy, phương pháp này hiện nay vẫn được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Lương y HUYÊN THẢO
nguồn: thuốc vườn nhà
Đăng nhận xét