Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

DẠY CHỮ

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017 | 15:14

Mai là 20/11, ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam, tôi bần thần nhớ về người cô tuyệt vời của mình nhưng cũng hoảng hồn nhìn vào hiện cảnh giáo dục Việt Nam.

Tuổi thơ, tôi học hành thực ra chẳng cao siêu, chỉ quèn quẹt xó nhà quê nhưng nếm trải đủ thi vị của những giáo viên đây tâm huyết với học trò cũng như việc trả thù hạ đẳng của giáo viên.

Kể chuyện buồn trước: học cấp hai, vốn là một học sinh ít nói nhưng tôi không thích rập khuôn. Học hóa và sinh, tôi thích tìm tòi cách làm bài khác đi. Cách của tôi khác hoàn toàn với giáo viên mà vẫn cho đáp áp đúng, nhưng nhận được câu trả lời gọn lỏn: chẳng giống sách giải bài tập. Lên cấp ba, tôi không bị chất vấn ngược vì cách làm bài khác với giáo viên nhưng bị trả thù vì không đi học thêm.

Vốn dĩ vùng quê nghèo, tôi chẳng có điều kiện đi học thêm như chúng bạn nhưng thói học lóm thì thành tinh. Các bạn đi học, tôi lân la hỏi: bài này tớ chưa biết giải, cậu chỉ cách cho mình đi. Cứ thế, bạn giúp tôi. Tôi không chịu bạn giải dùm mà muốn bạn chỉ cách rồi về tự giải. Giải được rồi hỏi bạn: còn cách nào khác nữa không? Thế là bạn mắng: tao đi học thêm dùm mày à. Mày đóng tiền mà đi học thêm. Cơ sự là thế đấy. Tôi không đi học thêm và bị giáo viên trả thù. Chữa bài trước rồi hôm sau mời bạn học yếu hơn tôi lên trả bài. Tôi không làm được và phát hiện ra mánh khóe của cô giáo mình. Vậy là, cả năm lẹt đẹt oằn mình để kéo điểm tổng kết. Tất thảy cũng vì lương quá thấp mà cô là dân thành thị vốn chẳng có quen biết  nên phải về nông thôn dạy. Tiền lương không đủ tiền phấn son xăng xe lấy đâu tâm hồn dạy học. Tôi hiểu và dần thông cảm với cô.

Thông cảm với cô bao nhiêu tôi càng ái mộ cô giáo cấp một của mình bấy nhiêu. Đi học trời mưa, chỉ có mảnh nilon vuông làm áo mưa cùng với cái mũ giang đội đầu. Lần nào về cũng ướt sũng cả người và quần áo cùng với sách vở. Đi qua nhà cô, cô gọi vào và chỉ tôi cách quấn áo mưa sao cho nước không lọt mũ giang xuống đầu và bảo đảm khô ráo mọi thứ khi về đến nhà. Có thể cô dạy không giỏi, không hay nhưng cô đã dạy tôi tâm thế của một nhà giáo hết mình với học sinh. Cô dạy tôi cách làm người. Có lẽ bởi thế, tới giờ, mặc dù xa nhau cả gần 20 năm, cô và tôi vẫn nhớ tới nhau. Nhớ tới nhau khởi đi từ kỷ niệm khoác áo mưa.

Cô giáo dạy lớp năm dạy tôi cách khoác áo mưa làm ấm lòng đứa học trò, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của tôi, cô dạy tiếng Nga ba năm cấp ba cũng thật tuyệt khi nghĩ tới tương lai học trò mình.

Ngày đó, nhà trường đủ thứ thi đua. Cô dặn lũ trò: học hành cho đàng hoàng. Thi đua cần nhưng đó chỉ là phong trào. Thi đua đạt giải mà học không đến nơi đến chốn là không xong với tôi. Lời nói rắn rỏi ấy khiến lớp tôi đậu tốt nghiệp và đại học cao nhất trường dù chẳng mấy đứa siêu sao. Tất cả do cô.

Cô dáng gày nhưng thanh nghị. Cô sắp xếp bạn giỏi giúp các bạn yếu hơn. Cô đi bên cạnh từng bạn một như một người mẹ. Một năm cô gặp riêng từng bạn tư vấn về học hành và sức khỏe. Nếu như bây giờ có chương trình tư vấn mùa thi thì chúng tôi đã được cô tư vấn từ dạo đó. Cô theo sát chúng tôi để cho lời khuyên chúng tôi về cách học hành và chọn trường cũng như ngành nghề đúng đắn. Thật ngạc nhiên vì cô khuyên một bạn không nên học đại học mà chỉ học nghề thôi. Điều khá lạ so với thời nay phải không. Điều lạ nữa là cô dạy tiếng Nga nhưng lại muốn học sinh mình học tiếng Anh. Có nói, em nào có điều kiện nên học tiếng Anh vì xã hội dùng nó là chính còn việc cô dạy vẫn cứ phải dạy. Chỉ vài năm nữa cô về hưu nhưng các em còn cả một tương lai. Có điều kiện hãy học và hãy giúp bạn mình học. Có ái dám nhìn thẳng vào ngành nghề của mình để nói lên sự thực như cô không nhỉ, như mấy vị dạy chính trị đạo đức tư tưởng ai đó chẳng hạn.

Kể vắn tắt thế thôi nhưng cho thấy, đời tôi may mắn vì có được những giáo viên đầy tâm huyết, hết lòng vì học trò. Các cô vẫn ảnh hưởng không nhỏ trên cách cư xử của tôi trước đây và cả hiện tại. Tôi thầm cám ơn và luôn nguyện cầu cho tất cả các người thầy của tôi được an mạnh và vui vẻ trong tuổi già. Càng cầu nguyện, tôi càng cám cảnh nền giáo dục hiện tại khi chuyến từ thiện tại Quảng Bình vừa qua. Một làng của dân tộc người Kinh mà tỷ lệ mù chữ khá cao. Trường đạt chuẩn quốc gia gì mà học sinh lớp 5, lớp 7 không nhận được mặt chữ chứ chưa nói đến đọc viết. Ôi, ngao ngán cám cảnh xã hội thành tích, đặc biệt thành tích giáo dục. Tôi đưa lên đây, trong bài viết này một hình ảnh thơ ngây của các em vùng đó, Tuyên Hóa, Quảng Bình các bạn ạ.



Tôi tự hỏi, dạy chữ còn chưa được sao dạy làm người. Bao giờ học sinh mới được học thật và khi nào những giáo viên đầy tâm huyết như tôi được gặp không phải là hiếm hoi và ẩn mình trong góc khuất của tiền tài.

Đăng nhận xét