Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

HỢP THỨC HÓA MẠI DÂM/MÃI DÂM - THUYẾT TIẾN HÓA HIỆN ĐẠI!

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015 | 08:42

Tình dục thuộc về bản năng con người. Mãi dâm có đó từ xa xưa tới tận giờ chưa thấy chấm dứt và không biết khi nào mới chấm dứt. Có lẽ, còn con người là còn mãi dâm. Đứng trước tình cảnh này, nhiều người cho là nên hợp thức hóa nó, coi mãi dâm như là một nghề. Trường hợp luật sư Ngô Ngọc Trai với bài "Mại dâm là tệ nạn hay giải pháp?" đăng trên BBC tiếng Việt, hoặc Trần Đình Thu với bài "Công nhận mại dâm, hãy có cái nhìn công bằng!" , hay trang cafebiz.vn với bài "Kinh tế Anh 'vượt mặt' Pháp nhờ tính mại dâm, thuốc phiện vào GDP" là nhữngví dụ.

ảnh sưu tầm trên internet

Để biện minh cho việc nên hợp thức hóa mãi dâm, các tác giả đưa ra những luận điểm sau đây:

1. Tình dục là nhu cầu bức thiết của con người như ngủ nghỉ, ăn mặc nên không thể ngăn cấm.

2. Việc kìm nén tình dục trong hôn nhân, đặc biệt nơi các đôi vợ chồng già, khi mà người nữ tuổi tình kết thúc sớm hơn, sẽ tạo ra sự bất ổn tâm lý và thể lý cho phái còn lại. Vì vậy, mãi dâm là cách phòng ngừa hoặc chữa trị những thương tổn ấy

3. Thành kiến về đạo đức, từ được dùng trong bài viết của luật sư Ngô Ngọc Trai, nên chúng ta phải vượt qua rào cản của đạo đức và sự cổ hủ của phong tục để giải phóng con người.

4. Mua bán thể hiện sự sòng phẳng của con người và đáp ứng nhu cầu của cả hai. Kẻ có tiền và người có tình hoặc vừa được tình vừa được tiền.

5. Từ hệ lụy của quan điểm thứ 4, cần hợp thức hóa để dễ quản lý và tăng GDP cho quốc gia như nước Anh trong bài viết "Kinh tế Anh 'vượt mặt' Pháp nhờ tính mại dâm, thuốc phiện vào GDP" hay bài "Mại dâm là tệ nạn hay giải pháp?" của luật sư Ngô Ngọc Trai.

Những quan điểm trên xem ra rất hợp tình hợp lý và hợp với các giá trị nhân văn cũng như quyền tự do cá nhân, quyền con người. Nhưng liệu có phải tất cả những gì hợp lý đều là chân lý!? Vì vậy, xin đưa ra những quan điểm cá nhân về nhận định có nên hợp thức hóa hay không. Tuy nhiên, trong nội dung bài viết này, xin tạm gác qua một bên tất cả những quan điểm đạo đức, phong tục hay tôn giáo để tránh  ai đó cho rằng: lại có thêm kẻ nữa lên mặt dạy đời. Bài viết này chỉ muốn nêu lên quan điểm dưới nhãn quan là một con người như chúng ta là những con người với nhau. Bài viết liên quan đến đạo đức và tôn giáo xin hẹn dịp khác.

Tưởng cũng nên nói thêm và nói rộng ra: mãi dâm không giới hạn vào chuyện mãi dâm khác giới mà ngay cả đồng giới, không chỉ dành riêng cho nữ mà còn cho cả nam. Bởi chưng, nếu trước đây chỉ có danh từ "gái bán hoa" thì nay cũng đã có "trai bao", nếu trước đây có "con đĩ" thì nay cũng có "đĩ đực". Xin phép được dùng từ hơi thô thiển chút trước khi chia sẻ quan điểm cá nhân.

1. Mãi dâm - vật hóa con người!

Cho tới nay, biết bao thuyết tiến hóa đã ra đời. Mục đích là tìm xem nguồn cội con người đến từ đâu và nó tiến hóa như thế nào. Dù dưới dạng thức tinh thần hay vật chất, tất cả các thuyết đều nhận định con người là đỉnh cao của tiến hóa. Đó là xét đơn thuần ở khía cạnh con người như một sinh vật giữa muôn sinh vật khác trong vũ trụ này. Vậy, con người có gì khác biệt với sinh vật khác, cách riêng về tình dục?

Tình dục là bản năng?

Những sinh vật khác, đặc biệt nơi động vật cũng có đời sống tình dục như chúng ta, có khác chăng là dạng thức mà thôi. Loài vật không bị đòi hỏi chung thủy với bạn tình của mình. Một con chó có thể chơi với bạn tình của mình rồi ngay sau đó chơi với bạn tình khác trước mặt bạn tình cũ. Con trâu và nhiều loài vật khác cũng vậy. Tất cả chỉ nhằm thỏa mãn bản năng của mình và vì mình hơn là nghĩ tới đối phương.

Con người thì không thế. Nếu xưa, từ chỗ chồng chung vợ chạ như loài vật, đến chỗ đề cao nam nhân mà người ta cho rằng: trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng là lẽ thường thì nay, trai gái đều phải chính chuyên, chỉ có một và một mà thôi. Con người tiến hóa hơn con vật ở chỗ đó. Con người có lý trí và nhận thức để trung tình thay vì thỏa mãn bản năng. Con người hướng tới hạnh phúc của chính mình và của tha nhân. Con người sống là sống cùng ai đó, sống với ai đó, sống cho ai đó và vì ai đó nữa. Nhận thức như vậy vì con người biết rằng: nếu tách tôi ra khỏi thế giới loài người tôi không là chính tôi và tôi chỉ đơn giản là một sinh vật, câu chuyện "Chú bé rừng xanh" là minh chứng. Chính điều đó tạo nên một xã hội loài người đầy tính nhân văn thay vì đơn thuần nhân sinh.

Tính nhân văn của tình dục.

Nếu chỉ là nhân sinh thì con người giống như bao sinh vật khác, sống và thỏa mãn theo kiểu mạnh được yếu thua, theo bản năng. Nhưng không, con người sống có tính nhân văn để mình sống không chỉ là tồn tại nhưng sống cho có giá trị và xứng đáng là người. Con người khác con vật ở chỗ nó vừa là con vừa là người. Là con nó chỉ nhắm thỏa mãn bản năng và thú tính của mình. Là người, nó xây dựng giá trị nhân văn để cuộc đời của tôi sống có ý nghĩa và có giá trị. Đó là lý do khiến tình dục không đơn thuần là bản năng nhưng là câu chuyện tình yêu được xây dựng bởi hai con người. Đặc biệt câu chuyện tình yêu làm phát sinh sự sống.

Tình dục không phải là câu chuyện bản năng nhưng là câu chuyện của tình yêu và sự trao dâng cho nhau để làm phát sinh sự sống. Không phải phát  sinh sự sống như bao sinh vật khác mà là sự sống biết yêu thương, sống tốt lành và có đủ khả năng, tự do để chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Tình dục giờ đây là câu chuyện của tình yêu và sự sống để chúng ta bước vào cuộc đời nhau trong mối tương quan thẳm sâu và đồng điệu giữa hai con người, hai cá thể, hai tâm hồn chứ không phải là chuyện sử dụng người kia như một công cụ để thỏa mãn. Nếu chỉ là công cụ để thỏa mãn thì khi không đáp ứng được nhu cầu, tôi có thể bỏ đi hoặc đi tìm người khác thỏa mãn bản năng của tôi. Không, con người không như thế.

Con người không chấp nhận mình sống như con vật và như đồ vật. Con người không chấp nhận để mình chỉ là công cụ nhằm thỏa mãn bản năng của ai đó nên nó phải đấu tranh. Chính vì muốn sống cho ra người nên biết bao máu và nước mắt đã đổ ra để con người được sống xứng đáng là một con người. Máu và nước mắt đã đổ ra để tôi được giải phóng khỏi kiếp sinh vật mà bước vào cuộc sống con người. Đó là cái giá phải trả trong các cuộc đấu tranh nhân quyền. Đấu tranh nhân quyền là đấu tranh để dành lấy quyền được sống sao cho xứng với phẩm giá con người - đấu tranh để làm người chứ không phải đơn thuần khẳng định tôi là người. Đấu tranh để thoát ra khỏi não trạng sử dụng ai đó như là những gì hữu ích cho tôi, để đi đến tôn trọng phẩm giá con người. Phẩm giá của con người thật khác xa với chức năng của nó.

Chức năng hay phẩm giá?

Nếu nói về chức năng, người ta nhắm đến sự hữu dụng, hữu ích và sự thỏa mãn nhu cầu của ai đó hay của một tập thể. Nhưng, nói về nhâm phẩm hay phẩm giá là nói đến giá trị riêng biệt và tính chất tốt đẹp của con người (Xc. Nguyễn Như Ý, Từ điển tiếng Việt, trang 1323, Nxb VHTT 1999). 

Nhân phẩm không tùy thuộc hoàn cảnh hay địa vị xã hội mà có tự thân. 

Nhân phẩm không phải là thứ thủ đắc hay sở hữu, cũng phải là ân huệ do ai đó hay cơ chế nào ban phát nhưng thuộc bản tính. 

Nhân phẩm là thứ làm cho tôi trở nên một cá vị riêng biệt không trùng lắp và thay thể bởi ai khác và khác với con vật, đồng thời, tôi không phải chỉ là động vật cấp cao.

Nhân phẩm luôn là tiếng kêu để sao tôi có quyền - nhân quyền - để sống như một con người. Hay nói khác đi, tôi phải có quyền để làm người bởi, ai sinh ra cũng đã là người nhưng mấy ai đã làm người đúng nghĩa.

Như vậy, nhân phẩm không phải là khái niệm dành riêng cho tôn giáo hay đạo đức nhưng là khái niệm chung cho tất cả. Mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa luôn hướng tới mục đích đề cao nhân quyền và phẩm giá của con người. Nếu đi ra ngoài mục đích này thì dù có lý tưởng đến đâu cũng là một cuộc chiến phi nhân. Phi nhân vì nó không đấu tranh cho một điều bất khả xâm phạm nhưng chỉ cho một điều có thể thay đổi. Phi nhân vì nó không đấu tranh cho con người làm người mà chỉ đơn thuần kéo con người đi xa và chệch khỏi con đường làm người. Phi nhân vì nó sử dụng con người như là một công cụ với một chức năng nào đó chứ không đi vào tương quan người với người và người với vạn vật. Đó là lý do cuộc khủng khoảng môi sinh ngày nay. Cuộc khủng hoảng khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đông đến Tây. Cuộc khủng hoảng làm gãy đổ tương quan rộng khắp giữa con người với nhau và với thiên nhiên vạn vật. Sự gãy đổ khiến con người ngày càng trở nên bất an hơn trong thế giới khoa học kỹ thuật tân tiến tưởng mình làm chủ nhưng thực ra mình đang là nô lệ.

Từ những hệ luận trên và trở về với những lý do mà các tác giả đưa ra, hẳn chúng ta phải nhận ra rằng: người ta đang giản lược tình dục như một chức năng chứ không gắn vào với phẩm giá của con người. Vì thế, tình dục trở thành công cụ cho sự thỏa mãn bản năng hơn là cách thức để thể hiện tính người, tính nhân văn, nhân phẩm. Đó chẳng phải là một công cuộc vật hóa con người hay sao? Với nhận định trên, con người trở lại giống như một con vật, thậm chí bị đồ vật hóa không hơn không kém. Nhật Bản và nhiều nước khác đã sản xuất búp bê tình dục giống người rồi đó! Bạn có muốn trở lại cuộc sống bản năng như loài vật? Câu trả lời dành cho chính bạn.

2. Mãi dâm - con người thiếu khả năng làm chủ

Câu trả lời ấy chính là hành động và chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa trong sự hiểu biết. Con người khác con vật ở chỗ nó có lý trí và ý chí. Lý trí để phân biệt và chọn lựa cách khôn ngoan, để không bị ai đó xỏ mũi dắt đi. Ý chí để kiên định với chọn lựa của mình. 

Hẳn khi tiến tới hôn nhân, chẳng mấy ai khẳng định mình chọn người bạn đời chỉ vì tình dục. Nếu chọn như thế, chúng ta tự hạ thấp chính mình, coi mình ngang hàng với con vật. Con vật, khi tới mùa động dục, phải tìm mà giải tỏa cho bằng được, còn con người thì chẳng có mùa. Vì thế, nếu tiến tới với nhau và đặt chuyện chăn gối lên hàng đầu thì, vô hình chung, chúng ta coi người bạn đời như một công cụ thỏa mãn bản năng không hơn không kém. Đó là lý do nhiều người viện cớ về mặt ức chế tâm lý hồi lần có thể gây ra các bệnh thể lý nhằm tiến tới hợp thức hóa mãi dâm.

Ức chế tâm lý thì cũng có thể nhưng hẳn không nhiều và cũng không là quá lớn khi người ta thực sự yêu nhau. Người ta yêu nhau đâu phải chỉ vì chuyện tình dục. Tình dục là điều không thể thiếu trong hôn nhân nhưng nó không phải là điều chính yếu và quyết định. Thử rảo qua các chương trình quảng cáo hiện tại, những thuốc, hay có thể đặt dưới cái tên mơ hồ là thực phẩm chức năng nhằm tăng sự ham muốn tình dục tràn ngập trên mạng, trên vô tuyến và các mặt báo. Xã hội phát triển, thức ăn đầy đủ và tuổi tình tăng lên thì hẳn nhu cầu về những thứ hỗ trợ tình dục phải giảm đi! Những trang thông tin đại chúng đó dường như đang chứng minh điều ngược lại, nó không ngừng tăng lên. Do vậy,  không thể lấy lý do đáp ứng một số người mà làm quy chuẩn hợp thức hóa mãi dâm. 

Việc hợp thức hóa mãi dâm chỉ vì người ta bị ức chế tâm lý có thể dẫn đến bệnh tật thể lý cho thấy sự thất bại của con người. Con người không có khả năng làm chủ mình và chỉ đi tìm thỏa mãn chính mình theo bản năng. Làm chủ ở đây không phải là diệt dục mà là thăng hoa nó, một thuật ngữ tâm lý được chính Freud xử dụng. Con người có lý trí và lý chí cùng với tự do đủ để làm điều này. Làm chủ không phải vì tôi sợ những áp đặt của đạo đức xã hội nhưng vì sợ làm tổn thương người tôi yêu. Sợ làm tổn thương không phải là thứ kìm nén nhưng là một thái độ tự do và thênh thang để trao trọn và thuộc về người tôi yêu vĩnh viễn. 

Từ trước tới nay, chưa thấy ai làm một cuộc điều tra xem bao nhiêu người chấp nhận cho bạn đời của mình ra ngoài ân ái với người khác. Vậy, thử làm một cuộc điều tra xem, bao nhiêu người chấp nhận khi mình hết khả năng tình dục chấp nhận cho bạn đời thoải mái ra ngoài chăn gối với một ai đó!? Nếu làm một cuộc điều tra nghiêm túc và không có sự định hướng dư luận, hẳn con số chẳng đáng là bao. Chẳng đáng là bao vì nếu phần đại đa số chấp nhận đã không có những chuyện đánh ghen động trời. Ông bà xưa đã từng nói: ớt nào là ớt chẳng cay, vợ nào là vợ chẳng hay ghen chồng. Yêu nên mới ghen. Ghen không xấu nhưng nó là một đặc tính có trong tình yêu. Ghen chỉ xấu khi đi quá đà. Bởi vậy, việc giải quyết nhu cầu sinh lý của các chàng trai trẻ hay ông cụ già không thể là lý do hợp thức hóa mãi dâm. Việc hợp thức hóa này, nếu được chấp thuận, sẽ là mối nguy cho hôn nhân và hạnh phúc của gia đình và nhân loại. Nguy vì từ nay, hôn nhân chỉ đơn giản là một hợp đồng, khi không thỏa mãn, tôi có thể đi tìm thú vui bên ngoài. Đâu phải chỉ tìm thú vui bên ngoài, tôi có thể biến người bạn đời của tôi thành thứ đồ cổ trưng trong nhà nếu thấy quý bằng không vứt ra ngoài đường vì nó chẳng còn hữu dụng. Nguy vì người ta gạt tất cả ra bên ngoài, không chỉ bạn đời mà cả những đứa con. Nguy vì người ta quy ngã quá lớn và quên rằng còn có ai đó sống bên cạnh tôi. 

Tới đây, xin mở ngoặc nói thêm: hiện tại trên thế giới nhiều nước đang đau đầu vì chứng nghiện tình dục trong giới trẻ, giả như bài báo nói về Vấn đề nghiện tình dục trong giới trẻ ở Úc, căn bệnh trầmkha của thời đại. Họ, những người trẻ không làm chủ được mình và có nhu cầu rất mạnh nhưng đó là bệnh. Gặp thấy đối tượng là mắt họ sáng rực lên và sẵn sàng bằng mọi cách chiếm hữu để thỏa mãn bản năng. Chứng này ở y học Đông Phương cũng có với tên cường dâm ở cả hai giới. Việc chữa trị nó không khó như bên Úc, nơi y khoa và tâm lý học phát triển. Với Nam, chỉ đơn giản một vị thuốc, với nữ chỉ cần điếu ngải là có thể hữu dụng (Vấn đề này xin không được nói ở đây vì, nếu phổ biến rộng rãi nó có thể trở thành một thứ vũ khí để người ta trả thù nhau. Thậm chí gây họa nhưng đối phương vẫn phải nói lời cảm ơn mà không biết mình có thể đi tới mất khả năng tình dục). Bởi thế, nhiều khi những người lớn tuổi có đòi hỏi quá cao hay các bạn trẻ xung năng quá lớn cũng cần xem xét lại. Liệu có phải là chứng nghiện tình dục hay không để chữa trị chứ không đơn thuần chỉ là thỏa mãn. Nếu thỏa mãn thì biết bao cuộc tình cho đủ. Hẳn chúng ta nhớ các con nghiện, một khi dùng thuốc thì chỉ có tăng liều chứ không có chuyện giảm trừ phi cai nghiện. Bởi thế, việc chấp nhận hợp thức hóa mãi dâm, đối với trường hợp này, vốn chẳng giúp ích gì về mặt tâm lý cũng như thể lý nhưng chỉ tăng thêm cơn nghiện. Chẳng cần nói ra, tìm kiếm trên internet, chúng ta cũng có thể thấy tác hại của việc phòng dục quá độ.

Từ các lý do về y khoa và tâm lý như trên cùng với sự đấu tranh liên lỉ để chúng ta được làm người theo đúng nghĩa, hẳn không ai muốn mình bị bản năng chi phối đến mức không biết suy nghĩ và chọn lựa. Không ai muốn mình trở thành con rối nên nhiều khóa kỹ năng cứng mềm để dạy cho nhau cách làm chủ cuộc đời mình, để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình đã được mở ra. Tuy nhiên, các bạn trẻ chưa ý thức được điều đó nhưng lại đánh cược cuộc đời nhau khi chỉ vì chuyện nhỏ mà lớn tiếng trách nhau rằng: cô/anh không giống như xưa nên chúng ta ra tòa ly dị nhé. Một tình yêu ép buộc người kia trở thành chính tôi hơn là cho họ được tự do và cơ hội để hoàn thiện chính mình mà ta góp phần trong đó. Chúng ta không muốn trở thành vật sở hữu của ai thì cũng đừng muốn sở hữu ai như một vật dụng với một tính năng nào đó. Con người chứ đâu phải nô lệ.

3. Mãi dâm - con người trở thành động vật kinh tế

Con người không chấp nhận kiếp nô lệ nên phải đấu tranh liên lỉ bao thế kỷ để có được quyền làm người và sống xứng với phẩm giá của mình. Nhưng thật trớ trêu, con người ngày nay đang trở thành nô lệ nhiều thứ hơn xưa. Những thứ nô lệ tinh vi mà khổ chủ của nó chẳng hề nhận ra.

Một trong những thứ khiến con người ngày nay trở thành nô lệ chính là vật chất. Người xưa dạy rằng: tiền bạc là ông chủ xấu nhưng là một tên đầy tớ tốt. Xem ra, lời nhắc nhớ của người xưa chẳng hề được chúng ta lưu tâm nhiều nên cứ mãi quay cuồng trong vòng xoáy kim tiền. Hợp thức hóa mại dâm cũng là cách đưa con người vào vòng xoáy ấy khi cho rằng đó là việc thuận mua vừa bán, đó cũng là một nghề để kiếm sống đồng thời tăng thu ngân sách.

Chẳng lẽ không còn cách nào nữa để tăng thu ngân sách! Bàn tay và khối óc con người để đâu đến mức phải dùng chính thân xác để kiếm tiền. Nếu nói đến việc hợp thức hóa mãi dâm để tăng thu ngân sách thì phải nói rằng: thể chế và chế độ đang lãnh đạo dân đã chẳng làm được gì vì đẩy con người tới chân tường khi không tạo được việc làm khiến họ phải bán trôn nuôi miệng đồng thời tăng thu ngân sách. 

Nếu chỉ là tăng thu ngân sách thì đó là lỗi của những nhà hoạch định chính sách. Các vị nhận lương từ thuế của dân để lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp vậy cớ sao ra cơ sự này. Người dân thay vì được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình thì phải bán thân để thỏa mãn nhu cầu bản năng của ai đó. Con người giờ đây trở thành động vật kinh tế đúng nghĩa vì chẳng còn quan tâm đến những vấn đề khác. Nhân phẩm hay phẩm giá nào có nghĩa chi, cả nhân quyền cũng vậy. Thuận mua vừa bán thế là xong. Kẻ tìm thú vui thỏa mãn còn người bán thì có tiền mà ngân sách lại tăng lên nhưng biết đâu, con người đang tự tha hóa chính mình, biến mình trở thành một thứ tiêu khiển của người khác, biến mình trở thành con rối trong tay nhà cầm quyền. Từ nay, rất có thể, tú bà tú ông chẳng phải là ai đó nhưng chính là các đức ông chồng hay bà vợ hoặc là chính quyền sở tại. Một hình thức lầu xanh thế hệ mới.

Liệu có thể đặt tên cho nó là lầu xanh thời @! Thứ lầu xanh đưa con người ngược trở lại thời buổi chỉ biết lo kinh tế mà quên đi những thứ khác. Báo chí quốc nội và hải ngoại chẳng phải đã chỉ ra tình trạng vô cảm của Việt Nam đó sao. Ở đó con người chỉ mải miết lo kinh tế mà quên đi tương quan quanh mình, quên đi tính xã hội của con người. Ngẫm lại mới thấy thấm lời chàng trai trẻ Joshua Wong, dù chưa tròn 18 tuổi, lãnh đạo phong trào Scholarism (Học dân Tư triều) rằng: Con người không phải là động vật kinh tế. Không phải là động vật kinh tế vì nó đâu phải sống chỉ để kiếm tiền hay kiếm tiền chỉ để tăng thu ngân sách. Tiền là công cụ chứ không phải mục đích. Mục đích chính là thăng tiến phẩm giá con người.

4. Mãi dâm - con người trở thành rô bốt của thời hiện đại  


Thăng tiến thế nào đây trong một môi trường khắc nghiệt của thời đại công nghiệp. Thời đại khoa học kỹ thuật lên ngôi và đánh cắp cơ hội làm việc của bao người. Máy móc có tạo ra nhiều sản phẩm hơn với giá rẻ hơn nhưng cũng lấy đi quyền của nhiều người: quyền được làm việc. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy nhiều người tới đường cùng phải dùng chính thân thể của mình làm công cụ lao động. Cũng có thể đây là lý do để ai đó gọi mãi dâm là một nghề.

Dù có coi mãi dâm là một nghề nhưng rồi con người cũng dễ bị đánh bật. Mới hôm qua đọc bài viết "Robot, tình yêu tương lai!" trên facebook, nhà văn Nguyễn Đình Bổn kể về việc trục vớt một thi thể trôi sông tai Hàn Quốc. Số là ngươi ta thấy xác một cô gái trôi sông nên báo cho cảnh sát. Trục vớt lên mới biết đấy là mộ rbot - bup bê tình dục (sexdol). Đây là sản phẩm các nhà khoa học nghĩ ra để thỏa mãn nhu cầu tình dục của con người và nó ngày càng trở nên giống người hơn nên robot ra đời trước trở nên lỗi thời và phải dục bỏ. Dòng sống trên là sọt rác của cô nàng búp bê dục tình. Nhà văn đặt câu hỏi: liệu người ta có thể yêu robot? Nhà văn kết luận: rất có thể và có thể vài chục năm nữa, nghề mại dâm sẽ phải nhường chỗ cho người máy. Nhường chỗ vì robot tình dục -  “robophilia”- ngày càng giống người, cũng biết thể hiện cảm xúc, thay thế cũng dễ mà lại an toàn, không sợ lây nhiễm bệnh tật trừ trường hợp dùng chung.

Chuyện có vẻ tếu táo cho vui nhưng lại là một sự thật khiến chúng ta suy nghĩ. Một khi hợp thức hóa mãi dâm vô hình chung, chúng ta đã biến những người bán dâm thành những cỗ máy thỏa mãn tình dục, thành những con robot không hơn không kém. Đó là việc đơn giản hóa tình dục vào chức năng thỏa mãn sinh lý hơn là những điều cao quý do tính nhân văn mà con người đóng ấn trên nó. Loại bỏ đi tính nhân văn, một mai, con người sẽ bị robot tình dục thay thế như chính những công việc mà con người đã bị máy móc tước đoạt. Bản thân máy móc không xấu nhưng con người dùng nó để triệt hạ nhau và cướp đi quyền được làm việc và kế sinh nhai của nhau mới xấu. Đó cũng là nguyên cớ của các cuộc chiến tranh thế giới, vùng vịnh hay tiền tệ do sự dư thừa của cải vật chất. Con người trở thành nô lệ và biến thành công cụ kinh tế. Cũng thế, tình dục không xấu dù nó là bản năng nhưng cách con người nhìn nhận và hành xử hiện tại có thể biến thành mầm họa trong tương lai. Xin đừng biến con người thành những con robot tình dục vì robot thì có thể thay thế và ném đi bất cứ lúc nào. Con người không phải là cỗ máy tình dục!



Tạm kết 


Tựu chung, tình dục là bản năng của con người nhưng nó trở nên cao quý và tốt đẹp bởi chính con người khoác cho nó những giá trị nhân văn do sự trổi vượt của nó. Sự trổi vượt của nó là việc con người nhận thức được phẩm giá của mình để làm mọi việc không dừng ở bản năng. Mọi việc nhắm tới thăng tiến phẩm giá con người. 

Con vật cũng có phẩm giá nhưng nó không mạnh đủ để bảo vệ. Con người thì khác. Con người có thể làm được điều đó vì nó là đỉnh cao của sự tiến hóa, nếu dựa vào thuyết tiến hóa để chia sẻ với nhau. Nó đã là đỉnh cao tiến hóa thì phải tiến hóa, tiến hóa cao hơn nữa và tiến hóa không ngừng. Không ai có thể chấp nhận một cuộc tiến hóa ngược để quay về sống với bản năng. Vì vậy, xin đừng chức năng hóa con người cũng như hoạt động tình dục dù nhân danh nghề nghiệp, kinh tế, nhu cầu hay là thảo mãn sinh lý và phòng ngừa bệnh tật. Xin đừng lấy cái bộ phận để quy chụp cho cái toàn thể. Dù rằng không bao giờ loại bỏ được tình trạng mãi dâm cũng không nên hợp thức hóa nó.

Sài Gòn 1/9/2015

Mời quý vị nghe bài này của nhạc sỹ Phạm Duy để tâấy cuộc tiến hóa ngược dù không liên quan đến mại dâm:

Đăng nhận xét