Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

ĐẠO NÀO CŨNG TỐT

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015 | 21:22

Vt: Nhiều bạn cho rằng đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, vậy nên chả việc gì phải chọn cho mình một tôn giáo, cứ thấy cái nào hay thì theo. Nếu quan niệm như thế chúng ta đang giới hạn tôn giáo vào địa hạt luân lý, theo nghĩa là sống tốt. Nhưng không, tôn giáo đưa chúng ta tới Chân Lý, Chân Lý giải thoát, giải thoát cách trọn vẹn. Đó mới là cùng đích của tôn giáo.


Nếu so sánh, dù hơi khập khiễng, một người nam có khả năng lấy nhiều cô gái làm vợ và tất cả đều có khả năng làm vợ anh ta. Vậy, có lẽ nào anh không chọn riêng cho mình một cô làm vợ. Giả như có cưới tất cả đi chẳng nữa, dù trên pháp lý hay xã hội công nhận, với anh ta chỉ có một cô mới thực là vợ đúng nghĩa, mới là người tri âm tri kỷ, nghĩa là anh vẫn chọn. Vì thế, không thể lấy cớ tôn giáo nào cũng tốt để chúng ta sống giữa ngã ba đường. Mỗi người cần chọn và phải chọn cho mình một lý tưởng để sống và một đích để đến, nhất là đích đến của đời sau, đích đến hướng dẫn ta trong cuộc sống hiện tại. Xin giới thiệu bài của Hoa-Vincent Vu viết về đề tài này!
ảnh" internet



ĐẠO NÀO CŨNG TỐT
Hoa-Vincent Vu
Có phải đạo nào cũng là đạo; đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành? Xin chia sẻ cùng anh em ý kiến của mình như sau:


Có thể hơi sốc cho những ai vừa nghe khi nói rằng đạo “Kytô giáo” không khuyên người ta ăn ngay ở lành như nhận định chung mà tiêu đề đặt ra: “Đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng khuyên người ta ăn ngay ở lành.”. Khởi đầu bằng câu nói ấy nhằm nhấn mạnh rằng, Kytô giáo có sự khác biệt so với các đạo khác, nhất là quan niệm sai lầm khi cho rằng đạo nào cũng là đạo. Tại sao nói thế? Thưa rằng Đức Kytô không đến thế gian để dạy con người ta ăn ngay ở lành; nhưng Ngài đến để mạc khải cho con người biết họ là con Thiên Chúa và Ngài mời gọi mỗi người hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x Mt 5,48); bởi Cha của Ngài, cũng là Cha của chúng ta, Thiên Chúa của Ngài, cũng là Thiên Chúa của chúng ta (x Ga 20,17). Thế nên việc “ăn ngay ở lành” là hệ quả phải có và theo sau việc “NÊN HOÀN THIỆN” như Cha chứ “ăn ngay ở lành” không phải cùng đích tối hậu nhắm đến của Kytô giáo.



Người Kytô giáo gọi Thiên Chúa là Cha và qua Đức Giêsu, con người được sát nhập vào gia đình Thiên Chúa và trở nên giống Thiên Chúa (x. St 1,27). Chưa có đạo nào gọi Đấng mình tôn thờ là “Cha”như người Kytô giáo: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”(Mt 5,15). Do đó mỗi người Kitô giáo có bổn phận sống sao để hễ ai tiếp xúc với họ thì sẽ gặp được hình ảnh Thiên Chúa. Cũng chưa có đạo nào thờ “Đấng sáng lập” bị đóng đinh nhục nhã như người Kytô giáo; cũng chưa có đạo nào tin Đấng mình thờ đã chết và đã phục sinh như người Kytô giáo... Bấy nhiêu sự khác biệt cũng đã đủ để khẳng định rằng không thể nói đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành. 


Một người ngoài Kytô giáo có thể không hiểu hoặc chỉ biết một cách mù mờ về đạo nên mới nói: “Đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng khuyên người ta ăn ngay ở lành”. Còn với người Kytô hữu thì phải xác tín rằng chỉ có một đạo thật là Kytô giáo, do chính Chúa Kytô thiết lập và qua đó ban ơn cứu độ cho con người; còn nếu xem Kytô giáo cũng giống như các đạo khác như những người ngoài Kytô giáo nhận định thì công trình cứu nhân loại bằng việc nhập thể làm người của Chúa Giêsu Kytô, chịu chết vì yêu thương nhân loại, lên trời để đưa nhân loại lên trời là chuyện vô ích đối với họ. 

Nếu xét trên bình diện ngữ nghĩa của từ “đạo” như một số từ điển Tiếng Việt định nghĩa thì “đạo” chính là con đường dẫn người ta đến với thế giới tâm linh, với Đấng siêu việt; thì ở đây Đức Kytô nói Ngài chính là “con đường” đó. Chưa có “Đấng sáng lập” đạo nào nhận mình chính là “đường” như Đức Giêsu (x Ga 14,6). Đức Phật trong thuyết pháp của Ngài cũng chỉ cho chúng sinh con đường để giải thoát chứ bản thân Ngài cũng không thể giải thoát và ban cho con người sự sống đời đời như Đức Giêsu (x Ga 3,36). Công đồng Vaticanô II trong bản tuyên ngôn Dominus Jesus của Hội Thánh nói: “Niềm tin hoặc đức tin của các tôn giáo khác, của “các truyền thống tâm linh khác” là sản phẩm cùa con người”. Thí dụ : từ Đức Khổng tử có Khổng giáo, từ Đức Phật có Phật giáo, từ vị Hộ pháp Cao đài có đạo Cao đài v.v. đạo Hồi là do Mahomet. Còn đạo Công giáo (Thiên Chúa giáo ) là Đạo Trời trong Cựu ước, là Đạo Con Trời trong Tân ước do mạc khải từ chúa Kytô. Trời (Thiên Chúa) dựng nên trời đất, muôn loài muôn vật, dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, trao cho con người làm chủ vũ trụ, và Con Trời là Ngôi Hai xuống làm người, cứu vớt con người khỏi cảnh xấu xa tội lỗi và đưa con người về trời”.

Riêng về đời sống hôn nhân trong Kytô giáo, đặc biệt là hôn nhân Công giáo, người nam và người nữ lập gia đình với nhau phải sống theo quy luật Con Trời dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”(Mc 10, 9). Đã có đạo nào dạy con người sống đời hôn nhân như vậy chưa? Đó là nét đặc trưng và khác biệt của Kytô giáo so với các đạo khác. Người Công giáo ý thức rõ giới luật nghiêm nhặt nầy để bảo vệ tinh yêu gia đình chứ không dựa trên luật xã hội con người; đó là một minh chứng cho thấy không phải đạo nào cũng là đạo mà chỉ có Kytô giáo là đạo đích thực đến từ Thiên Chúa, ấy là chưa kể trong cách sống đạo của người Kytô giáo tin rằng, khi ta làm bất cứ việc gì cho một người bé mọn, lại là làm cho chính Thiên Chúa (x Mt 10,42)

Nguồn: Hoa-Vincent Vu
-----------------------
Tựa đề do Vt đặt

Đăng nhận xét