Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

ĐẶC KHU KINH TẾ VÀ ĐẶC KHU TÂM LINH

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018 | 09:14

Tuần qua, dân tình rầm rộ phản đổi dự luật đặc khu kinh tế hay cho Trung quốc thuê đất vì nỗi sợ an ninh và mất chủ quyền. Ngài bộ trưởng nọ nói rằng: không có từ Trung quốc trong dự luật nhưng lại miễn thị thực cho cư dân nước láng giềng đặc khu Vân Đồn trong tương lai. Thế chẳng phải là Trung Quốc sao. Đó là cách đánh tráo khái niệm và quên đi nỗi đau xương máu cha ông đã đổ ra để gìn giữ non sống trước sự xâm lấm ngày càng sâu về mọi mặt từ phía Trung Quốc, dù ta gọi tên thế nào đi nữa.

Xét như thế, dù gọi tên là gì? Dù có bao nhiêu năm chúng ta cũng không nên thông qua luật đặc khu kinh tế hay thiết lập đặc khu vì tính lỗi thời và hiệu quả quá kém như bao người phân tích. Ngay cả trước đó, Trung Quốc không thuê nhưng với sự dịch chuyển dòng vốn và lợi ích của các nhà tư bản cùng với tham vọng của Trung Quốc khi 2/3 đặc khu dự định nằm trên chính con đường Tơ Lụa mà Trung Quốc đang ra sức xây dựng thì thật nguy. Trung Quốc lắm tiền nhiều của ngoài việc bẫy nợ nhiều nước giờ còn đang thao túng nhiều nơi để xuất khẩu ô nhiễm và di dân qua các nước để giảm gánh nặng dân số và an sinh thì ta càng phải cảnh giác hơn. Chúng ta là người Việt, dù bạn thuộc về dân tộc nào nhưng vẫn là Người Việt, chúng ta phải gìn giữ gia sản cha ông để lại kẻo ta và con cháu ta thành kẻ ở đợ hay lưu vong trên chính quê hương mình.

Đó là chuyện đặc khu kinh tế. Chuyện xảy ra thường ngày trên các phương tiện truyền thông mấy ngày qua cũng như nơi bàn ăn, bàn nhậu, nơi quán cà phê. Chuyện trên môi trên miệng anh lái taxi hay anh chàng Grab. Chuyện cửa miệng và than vãn nơi bà nội chợ hay chị bán hàng rong vỉa hè đô thị. Nơi đâu người ta cũng bàn tán và lo sợ mất nước, mất việc và đói khổ. Song, có một chuyện, chuyện hệ trọng hơn để cứu lấy dân tộc và đất nước này chính là con người, xem ra người ta chưa để ý, đó là việc xây dựng những đặc khu tâm linh.

Nếu như đặc khu kinh tế được đưa ra quốc hội bàn tán và dân ngờ ngợ thức tỉnh rồi phản đối. Rất có thể thành chuyện đã rồi. Thì nay, nhiều cơ sở tôn giáo cũng trở thành đặc khu tâm linh khi quá chú trọng tới lễ nghi cúng kiếng để thu hút tín đồ hầu thu lợi về kinh tế. Các nơi thừa tự nhiều khi không còn là chốn bình yên cho bất kể ai nhưng là nơi cho kẻ quyền thế ngẩng cao đầu hãnh diện; nơi cho kẻ lắm tiền nhiều của được ghi danh bảng vàng, nơi cho kẻ nào đó cảm thấy an tâm khi gây hại cho người khác rồi vung tiền hầu mong xá tội; nơi rửa tiền của quan chức hay các tổ chức mafia. Rất có thể, và có thể, chúng ta cũng thấy những đặc khu tâm linh ấy mọc lên đầy dẫy khắp đất nước này nhân danh tôn giáo, nhân danh niềm tin để rồi, người dân mãi u mê và đau khổ.

Có những đặc khu tâm linh ta có thể thấy ngay, nhưng rồi, có những đặc khu tâm linh do chính ta tạo ra mà chẳng hay chẳng biết. Đôi khi nó âm thầm gặm nhấm ta như tằm ăn dâu, chính sách của Trung Quốc khi xâm lược kiểu mới các nước khác. Đó là việc ta lựa chọn hoặc đồng tình với điều xấu, với mê tín dị đoan.

Nhìn dự án đặc khi kinh tế, ta vẫn thấy có quá nhiều người ơ hờ không dám lên tiếng với lý lẽ: chuyện đã định, lên tiếng cũng chẳng làm được gì. Cuộc đời đâu phải như thế, chúng ta phải lên tiếng như nhà văn Ý gốc Do thái, PRIMO LEVI, kể lại trong cuốn If This Is A Man (Nếu đây là một con người.)
Khi bị đưa vào trại tập trung Auschwitz, ông tuyệt vọng cùng cực. Ông không thiết cả rửa mặt nữa, vì nước thì bẩn vả lại không biết chết lúc nào thỉ rửa làm gì! Nhưng 1 bạn tù tên STENLAUF bảo ông,
 "Chúng ta là nô lệ, bị tước hết mọi quyền , bị phơi ra để nhục mạ, cầm chắc sẽ phải chết, nhưng chúng ta vẫn giữ một quyền thôi và phải bảo vệ nó bằng mọi giá vì sau đó ta không còn gì khác - QUYỀN từ khước KHÔNG ĐỒNG TÌNH. Nên ta nhất thiết phải rửa mặt trong nước bẩn không xà phòng và lau mặt bằng tay áo. Chúng ta phải đánh giầy, không phải vì nội quy trại giam, nhưng vì PHẨM GIÁ và tư cách. Chúng ta phải bước đi ngước thẳng, không lê lết - không phải để tôn vinh kỷ luật người Đức nhưng để mình CÒN SỐNG, KHÔNG BẮT ĐẦU TỰ CHẾT."
(We are slaves, deprived of every right, exposed to every insult, condemned to certain death, but we STILL POSSESS ONE POWER, and we must defend it with all our strength for it is the last - THE POWER TO REFUSE OUR CONSENT. So we must certainly wash our faces without soap in dirty water and dry ourselves on our jackets. We must polish our shoes, not because of the regulation states it, but for DIGNITY and propriety. We must walk erect, without dragging our feet, not in homage to Prussian discipline but to REMAIN ALIVE, AND NOT BEGIN TO DIE.)(If this is a man, p. 47 - Primo Levi) 
dẫn lại từ fb cha Gioan X. Lộ 
Chúng ta phải lên tiếng cho vấn đề đặc khu kinh tế và cả những đặc khu tâm linh, nhất là những đặc khu tâm linh do chính ta chọn lựa.

Những đặc khu ấy có thể là sự thỏa mãn kim tiền nơi chúng ta, những kẻ tin vào Chúa, mà lại tin bùa ngải hay đặt bàn thờ ông địa, ông tài ở góc nhà hay cửa tiệm để được buôn may bán đắt. Chuyện này không phải không có, nhưng một khi chúng ta thỏa hiệp với thần tài, thổ địa, ... là lúc chúng ta đang lìa xa Đấng tác thành nên chúng ta. Chúng ta đang cho một thần khác thuê mướn khu đất tâm hồn mình có thời hạn trong khi vẫn tới nhà thờ tham dự thánh lễ và rước lễ cách hồn nhiên không áy náy. Dần dà, khi trở thành một nếp sống, chúng ta di truyền tới đời con đời cháu, và thậm chí, gây ảnh hưởng với anh chị em tôn giáo khác hay với lương dân, thử hỏi, những đặc khu tâm linh ấy, có giống đặc khu kinh tế dân đang chống do thấy bàn tay lông lá của Trung Quốc. Có lẽ, trong Kinh Thánh, Ai Cập trở thành biểu tượng của dân nước chống đối chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì ngày nay, những đặc khu tâm linh hòng cướp đi con người đích thực do Thiên Chúa dựng nên, có Trung Quốc là biểu tượng.

Như chúng ta đã biết, bộ chính trị đã đưa ra và rất có thể, dù phản đối cỡ nào, luật đặc khu cũng được thông qua. Chẳng khác chi chính chúng ta, thế gian này được tạo dựng nên cho chúng ta sống và sống chan chứa tình yêu, song, chính chúng ta lại biểu quyết biến trần này trở thành đặc khu khi lựa chọn cái xấu, cái hại di truyền từ bao đời và làm chúng ta biến chất. Mọi thứ có thể mất nhưng niềm tin thì không thể. Hãy nhìn vào dân tộc Do Thái, họ đã bị lưu đày tới gần 20 thế kỷ, vậy mà vẫn có thế lập quốc trở lại. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ có thiết lập đặc khu hay không mà là điều gì giữ chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ những đặc khu đó.

Về mặt chính trị, đặc khu có thể tồn tại được mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thăng tiến người dân bản địa khi các luật về đầu tư, đất đai và nhập cư, lãnh đạo rõ ràng để kiểm soát những tiêu cực. Về mặt tâm linh, chúng ta bị đặt vào trần gian này như đặt vào đặc khu của những tham lam được thúc đẩy bởi dục vọng con người. Đặc khu ấy, có thể phá hủy hay thức tỉnh chúng ta? 

Thức tỉnh chúng ta khi có đời sống đức tin mạnh mẽ để không ai còn có thể lợi dụng vấn đề tâm linh cho việc tìm kiếm tiền tài hưởng thụ. Chúng ta xác tín đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, yêu thương và mọi sự phát xuất tự nơi Người đều tốt đẹp. Vì vậy, chính chúng ta, vốn phát xuất tự nơi Thiên Chúa, chúng ta phải đẹp. Đẹp cách toàn diện nơi tâm hồn và thể xác cũng như làm cho trần gian này mỗi ngày thêm đẹp tươi. Khi đó, chúng ta sẽ không còn phân mảnh cho thần thánh nào khác, không biến mình trở thành đặc khu cho kẻ phá rối hạnh phúc đích thực của chúng ta.

Tựu trung, chẳng có đặc khu nào là tốt khi không tạo được sự đồng thuận nơi lòng dân và thăng tiến đất nước con người. Chẳng có đặc khu tâm linh nào thực sự mang giá trị nếu không dẫn tín đồ đến đời sống cầu nguyện sâu xa. Đời sống cầu nguyện đích thực là nên một với Cội Nguồn Sự Sống. Vì vậy, xin đừng vì bất kỳ lý do nào mà thiết lập những đặc khu khiến cho chúng ta bị lưu vong trên chính quê hương đất nước mình. Đừng lập đặc khu nào khiến chúng ta vong thân và xa rời Thực Tại Vĩnh Hằng.



Đăng nhận xét