Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Không lên nổi sân khấu sao có hy vọng thành công

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015 | 19:37

Vt: bài này viết lúc còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường. Hôm nay, vô tình usb bị virus nên thấy lại. Chẳng biết vô tình hay hữu lý nhưng hiện tại, con dân Việt Nam khó lên sàn diễn quá. Có quá nhiều thế lực đang cản bước tiến của những người con đất Việt. Nếu để cho con dân Việt Nam lên sàn diễn có lẽ đất nước không rơi vào thảm cảnh của ngày hôm nay. Ước mong nhà cầm quyền và tất cả những ai tham gia giáo dục hiểu được nỗi khát khao cháy bỏng này của biết bao bạn trả và cả những người nhiệt tâm vì con người, quê hương và đất nước Việt Nam. Tạ ơn Chúa, cám ơn mọi người vì vẫn còn đó rất nhiều người đã đấu tranh để con dân đất Việt được lên sàn diễn. Tôi ước mong Việt Nam được thực sự dân chủ tự do, công bình và bác ái không phải chỉ như Miến Điện trong những ngày này mà còn hơn thế nữa!
hình sưu tầm trên internet

***
Không lên nổi sân khấu sao có hy vọng thành công
Cuộc đời là một sân diễn và mỗi người là diễn viên trong đó. Đời mỗi người cũng lại là một vở diễn và bản thân là vai chính. Trong vở diễn ấy, tất cả các vai đều tập trung để cho vai chính được nổi bật lên. Song có lẽ, điều trước tiên cần có của người diễn viên là được bước lên sân khấu. Thiết tưởng, đây cũng là điều hợp lý đáng để suy tư, nhất là đối với chúng ta, những người, một cách nào đó, từ những hành động hay lời nói nhỏ nhặt cũng ảnh hưởng trên người khác rất nhiều. Bởi thế, học chính là một cách xác định vai chính và vai phụ.
1. Vở diễn bao gồm cả vai chính và vai phụ
Nếu như trước đây, trong lĩnh vực điện ảnh, ai đó đều ước mong mình có được sắm vai chính. Đó là niềm vinh dự và hạnh phúc của người diễn vì mọi sự chú ý tập trung vào mình, đồng thời, bản thân cũng được mọi người nhìn nhận cách rõ ràng và minh nhiên hơn. Dầu vậy, gần đây, các nhà chuyên môn không những chỉ tôn vinh những vai chính mà còn tôn vinh cả những vai phụ trong phim. Vai phụ trong phim rất quan trọng vì nó là hậu cảnh làm cho vai chính được nổi bật lên. Nếu thực sự vai phụ được diễn cách hết tình, hết mình thì vai chính mới có thể nổi bật. Có lẽ đó cũng là điều chúng ta nhận ra trong sân diễn cuộc đời.
Sân diễn cuộc đời của ta luôn bao gồm vai chính vai phụ. Vai chính lẽ đương nhiên là mỗi người. Nhưng vai phụ cũng không kém phần quan trọng. Vai phụ là những người thân thương quanh ta, là những ai ta từng gặp gỡ và là tất cả những gì ta trải qua. Đôi khi vai phụ quyết định phần lớn sự thành công của vai chính. Điển hình trong cuộc đời con người, giai đoạn ấu thơ cho tới tuổi đến trường là giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Đây cũng là giai đoạn nền để tạo nên một con người tương lai. Một căn nhà không móng khó có thể vững chắc, vì thế, đối với cha mẹ và những người lân cận, việc định hình nhân cách cho các em quả là quan trọng. Đây cũng là kinh nghiệm của tiền nhân: “dạy con từ thuở còn thơ”.
Dạy con từ thuở còn thơ chính là cho các em một định hướng, một chọn lựa nền tảng để các em tiến bước trên cuộc đời của chính mình. Với vị thế này, vai phụ đâu phải không quan trọng! Đôi khi là thành phần không thể khuyết thiếu vì thiếu nó, một con người, một nhân cách sẽ có những khủng hoảng và sai lạc trong tương lai. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí không thể khuyết thiếu này, và để làm tròn vai phụ, mỗi người cần lắm có một cái nhìn trọn vẹn về tâm  sinh lý của con người phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi và từng nền văn hóa. Cái biết ấy cho ta một lối nhìn và hành động giáo dục, quan tâm, chia sẻ sao cho phù hợp để xã hội này có thêm hơn nữa nhiều những con người có một tinh thần khỏe mạnh trong một thân xác tráng kiện. Tuy nhiên, điều cần vẫn là: vai phụ không lấn át vai chính nhưng luôn làm cho nó được nổi bật lên.
2.Vai chính cần được nổi lên
Cuộc đời gồm vai chính và vai phụ nhưng đôi khi vai phụ lấn át vai chính. Điều ít xảy ra trên phim ảnh do sự kiểm soát của đạo diễn rất có thể xảy ra trong đời sống bởi rất nhiều khi trong cuộc đời, vị đạo diễn quên mất vai trò đạo diễn để người khác điều khiển phim trường.
Sự thật ấy vẫn tồn tại trong cuộc sống bởi: cuộc đời chính là một vở diễn mà đạo diễn là chính ta và ta đồng thời là diễn viên chính trên sân khấu đời mình. Nhiều khi, ta quên mất vai trò của đạo diễn là làm sao cho vở diễn được suôn sẻ và vai chính được nổi lên đến nỗi, vai chính trở thành vai phụ. Một trong những điều dễ thấy là khủng hoảng của giới trẻ trong xã hội hôm nay. Một xã hội có quá nhiều người đang bị khủng hoảng giá trị. Sự khủng hoảng ấy không phải trong một sớm một chiều nhưng luôn có những bước đệm. Bước đệm ấy thường được xây dựng từ rất sớm, ngay khi ta còn nhỏ và gia đình có ảnh hưởng lớn nhất. Ảnh hưởng ấy không đến từ gia đình mà thôi nhưng luôn là cả một hệ thống giáo dục.
Hệ thống giáo giục ngày hôm nay, ở hầu hết các nước là một hệ thông giáo dục duy vật chất, duy kiến thức. Chúng  ta không thể phủ nhận những gì mà nền giáo dục này đem lại nhưng vì tính duy làm cho vấn đề trở nên trở ngại cho cuộc sống. Điều đó thể hiện rõ nét trong những khủng hoảng tuổi đến trường với những áp lực học đường, trẻ nhỏ mà đã “gù lưng mang”. Một nền giáo dục thiếu thốn về mặt đức dục và tâm linh. Điều ấy cũng dễ dàng nhận thấy nơi những con người ngày hôm nay, mặc dù là những doanh nhân, trí thức thành đạt trong lĩnh vực của mình nhưng, một khi có sự đổ vỡ và mất đi sự nhìn nhận từ người khác thì… những hậu quả khôn lường xảy đến mà chúng ta rất khó kiếm soát.
Cách đây hơn một năm, báo pháp luật có đăng bài nghiên cứu: 14% các doanh nhân bị tâm thần. Các doanh nhân bị tâm thần đang dần trẻ hóa và là những người rất trí thức. Với họ, thật khó mà thuyết phục chữa bệnh vì họ rất khôn khéo trong việc phủ nhận mình bị chứng tâm thần. Và, một cách hiển nhiên với những ai theo dõi báo chí: các diễn viên, ngôi sao điện ảnh và các bạn trẻ tìm cái chết để giải thoát ngày một nhiều. Bởi đâu? Bởi khủng hoảng giá trị! Thậm chí, có những sao chỉ vì một vài lời chỉ trích đã tìm đến cửa tử để giải thoát. Tất cả chỉ vì họ sống và làm việc dựa vào sự đánh giá của người khác.
Những đánh giá đó không phải không quan trọng nhưng dư luận là luận dư, như một tác giả nào đó đã nói. Điều quan trọng là khẳng định chính mình với những giá trị của mình và vượt lên chính mình hơn là dựa vào đánh giá của người khác. Nói như thế không đồng nghĩa với việc bỏ qua dư luận. Dư luận và những người khác như vai phụ làm nổi bật lên vai chính là chính ta. Để có có thể nổi bật, nhiều khi không cần vượt trội và đi theo dư luận mà là khẳng định vị trí không thể khuyết thiếu của mình trong cõi nhân sinh này. Điểm không thể khuyết thiếu này, nếu ai đó mất đi do những khủng hoảng có thể tìm lại được trong đời sống tâm linh, tôn giáo bởi: không tôn giáo nào không khẳng định con người là một hữu thể không thể khuyết thiếu. Thánh Augustino còn đã mạnh dạn nói rằng: Chúa dựng nên con không cần hỏi con nhưng để cứu con, Người cần hỏi ý kiến của con.
Đến đây, chúng ta thấy một thực tại trong xã hội Việt Nam, qua loạt bài Thế hệ gối ôm đăng trên Tuổi trẻ chủ nhật, số ra ngày 12,18/11/2011. Báo phản ảnh tình trạng cha mẹ bao bọc con mình quá đến nỗi các em trở nên những búp bê, những rô-bốt di động mặc dù trí thức đầy mình. Các em trở nên hững hờ với mọi thứ, ngay cả những người thân của mình. Một sự hờ hững do khép kín và coi mình như một ông trời con trong nhà. Đây là nỗi thống khổ của cha mẹ và của những cô cậu ấm khi rời khỏi vòng tay gia đình liền rớt vào khủng hoảng, không thể tự chăm sóc cho mình, ngay cả việc nấu cơn, giặt quần áo. Không phải tất cả các bạn trẻ đều như thế nhưng lượng những bạn như thế không nhỏ. Phải chăng đây chính là việc những nhà đạo diễn đã bị vuột tay vai trò đạo diễn của mình. Phải chăng, những vai phụ giờ đã trở thành vai chính trong cái không chính thức. Chính vì lẽ đó, nhiều bạn trẻ đã khát mong cha mẹ hãy để cho mình được làm đạo diễn cho chính cuộc đời mình. Các bậc cha mẹ hãy dám để con vấp ngã để con có thể đứng vững trong tương lai và khẳng định chính mình. Ít ra, nếu chưa muốn nói đến phục vụ xã hội và người khác thì cũng là khả năng tự chăm sóc chính mình.
Bởi vậy, trong cuộc đời, vị đạo diễn cần đóng vai trò quyết định. Đừng để vuột khỏi tay quyền đáng có này. Hãy tận dụng nó để vai chính được thể hiện. Muốn thế, cần làm sao xác định đâu là nhân vật chính, đâu là nhân vật phụ. Dù chính hay phụ thì điều trước tiên là lên được sân khấu.
3Không lên nổi sân khấu sao có thể thành công
Quan sát một em bé lứa tuổi tập đi, bạn sẽ thấy một điều: em bị ngã lên ngã xuống và khóc rất nhiều lần trước khi biết đi. Ấy vậy, khi cha mẹ thấy em ngã đã không nâng em dậy nhưng khuyến khích, khen tặng và chìa tay ra mời em đi tiếp. Chưa đủ, cha mẹ vừa mời đón con tiến lại phía mình vừa lùi xa để em có thể tiến bước thêm. Nếu được huấn luyện như thế, em sẽ đi được mà không cần nhờ tới ai. Bằng không, em sẽ mãi nằm một chỗ và luôn cần đến một ai đó nếu muốn rời vị trí. Câu chuyện xem ra tầm thường nhưng lại vô cùng hệ trọng trong cuộc đời mỗi người.
Cuộc đời là thế. Nó luôn là một sự nỗ lực trong những vấp ngã và thất bại để có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Không chỉ đứng vững thôi nhưng còn có khả năng đi trên đôi chân của mình. Đi trên chính đôi chân của mình chứ không phải của một ai khác. Để có được khả năng ấy cần có một nỗ lực không ngừng, đôi khi trả bằng máu và nước mắt. Quan sát các võ sĩ và các vận động viên bạn sẽ thấy.
Với các võ sĩ, nếu muốn có được thành công họ phải gian lao khổ luyện thế nào. Khổ luyện thôi chưa đủ mà còn phải lên được sân khấu bởi nếu không lên sân khấu sao có thể dành được huy chương. Ấy vậy, cuộc đời vẫn diễn ra những chuyện éo le: nhiều người muốn đoạt huy chương vàng nhưng lại không lên được sân khấu? Bạn nghĩ sao: điều này có thực?
Trên thực tế, có nhiều lý do để một người không lên sân khấu, trừ phi người đó không yêu mến hay không muốn đạt giải nào.
Có thể họ không thể lên vì không đủ sức tham gia cuộc chiến. Trong trường hợp này, họ phải tự tập luyện mỗi ngày để nâng cao thể lực hầu có thể lên sàn đấu và đứng vững trước đối phương.
 Có thể người đó đủ điều kiện nhưng không đủ tự tin để bước lên sàn đấu. Trường hợp này không gì cần thiết cho bằng khẳng định vai trò không thể khuyết thiếu của họ. Nhờ thế, họ mới có thể lên sàn đấu bằng chính con người của mình.
Có thể người đó không được lên sàn đấu vì không được phép, vì bị ngăn cản. Điều này trong cuộc sống vẫn có đó. Nhiều cậu ấm cô tích đã rơi vào hoàn cảnh này
Còn nhiều lắm những lý do để ta phải quyết tâm lên sàn diễn cuộc đời. Sàn diễn này một cách nào đó có thể ví như một sàn đấu để đạt huy chương. Tuy nhiên, vẫn cần lên được sân khấu. Nếu như mỗi cuộc thi đấu võ thuật, cử tạ hay đấu vật đều có hạng cân riêng thì với mỗi người cũng thế: mỗi người là một hạng cân riêng biệt cần được lên sân khấu để thể hiện mình. Mỗi hạng cân có thể ví như mỗi giai đoạn trong cuộc đời mỗi người. Dù lớn hay nhỏ, hết thảy đều cần tự tin bước lên đấu trường bằng chính đôi chân và chiến đấu bằng sức lực của mình. Đây là điều chúng ta có thể so sánh để nhìn thấy sự tương đồng trong việc tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi, mỗi tuổi là một hạng cân. Hãy để mỗi người bước lên và tự thể hiện khả năng của mình trong mỗi giai đoạn cuộc đời. Muốn như thế, cần lắm sự giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi và tránh đi sự suy nhược ở một góc cạnh nào đó, mà trước tiên là tránh đi hiện trạng cậu ấm cô tích hay thế hệ gối ôm như ngày nay. Chuyện thực nhưng không hề dễ bởi lên thôi chưa đủ, chúng ta còn cần đứng vững và đứng trên sân khấu luôn.
 4Giữ vững vị thế của mình
Cuộc đời được ví như một sàn diễn, một sàn thi đấu nhưng khác một chỗ là không chiến thắng theo kiểu loại bỏ để một mình ta đứng trên sân khấu. Con người là một tương quan tổng hòa. Chúng ta cần lên sân khấu nhưng không đạp đổ và đẩy người khác xuống sân khấu như trên đấu trường. Chúng ta cần nâng nhau lên để không ai lấm lưng trắng bụng. Điều này đã được đại thi hào Nguyễn Du nhận định: CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI.
Cuộc thi đấu trên đấu trường này là cuộc thi đấu của chữ TÂM vì tất cả sẽ qua đi, duy chữ TÂM còn lại. Chả thế mà nhiều tôn giáo đã đề cập đến chữ tâm một cách rốt ráo như: Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật trong Phật giáo hay Lương tâm trong Công Giáo. Ngay cả Nho, Lão giáo cũng không ngừng đề cao vị thế này bởi con người là một trong ba tài, là kẻ chịu trách nhiệm về sự tồn vong của vũ trụ và cõi nhân sinh. Tất cả có hài hòa hay không là do con người. Trong cõi thế này, con người chịu trách nhiệm chính. Ấy thế, Việt Nam tồn tại một cách dạy thật khác lạ: tất cả đổ lỗi cho thứ gì khác bên ngoài mà quên không dám để cho các em nhận lỗi theo kiểu: cái ấm này hư quá dám làm đau con mẹ; đánh cho cái ghế một trận, dám đứng giữa đường để con bố ngã… hay một kiểu nữa của người Á Đông, không phải tất cả: quân tử báo thù mười năm chưa muộn.
Thật mâu thuẫn trong khi Á Đông rất đề cao tình người và sự tĩnh lặng nhưng lại luôn động vì những chuyện thật nhỏ. Đó là điều mà bất cứ ai tham gia giáo dục cách này cách khác, dù trong vai trò nào: cha mẹ, thầy cô hay bè bạn luôn cần nhớ: con người sống bằng cái tâm hơn là bằng cái trí. Cái trí cần thiết nhưng hãy để con tim dẫn dắt. Con tim dẫn dắt nhưng cần trí xét suy. Đó mới là thứ làm cho chúng ta giữ vững vị thế của mình và có thể đứng vững trên sân khấu cùng với tất cả những gì tồn tại quanh ta. Chính khi đó, ta khẳng định vị thế không thể khuyết thiếu của mình. Cái làm cho ta tồn tại và có giá trị trong cõi nhân sinh.


Tất cả những điều trên xem ra tầm thường nhưng nhiều khi ta lãng quên. Đó là điều cần thiết để mỗi người nhìn lại và có trách nhiệm trên nhau trong sân diễn cuộc đời. Có thể nói, học không phải để có được một mớ kiến thức nhưng là cùng giúp nhau bước lên và đứng vững trên sàn diễn cuộc đời. Muốn làm được điều đó, trước tiên, điều nhỏ cần đón nhận và chu toàn trong khiếm tốn như một người bạn của Lưu Dung đã chia sẻ: ông đã bị chối từ nhiều vai diễn cho đến khi không tìm được ai vì tất cả đều chối từ, họ nhờ đến ông. Lưu Dung đã cản lại với lý đo, mình chỉ là vai phụ và họ thiếu tôn trọn mình nhưng ông nói: “Đây là cơ hội hiếm hoi để mình giành được vai chính. Muốn thành công phải lên được sân khấu, không lên nổi sân khấu sao có thể hy vọng thành công?”. Vậy ta hãy giúp nhau để cùng bước lên sân khấu cuộc đời với vai trò không thể khuyết thiếu của mỗi người. Đó là lời ngỏ cho mỗi người và cho tất cả.

Đăng nhận xét