Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

ÁN TỬ HÌNH ... CÁNH CỬA KHÉP LẠI

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015 | 08:06

Đất Sáng 11.2015


"...Từng đêm, khi nghĩ về đứa con gái bé bỏng đang thiếu thốn vòng tay yêu thương của cả cha, lẫn mẹ, thiếu đi tình cảm của một gia đình, cha cảm thấy đâu xót lắm! Cha càng xót xa hơn khi nghĩ về những đắng cay, buồn tủi mà con phải vượt qua trong cuộc sống. Cha mong rằng, khi lớn lên con sẽ hiểu được tình yêu thương mà cha dành cho con và mong con sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của cha. Hằng đêm, mỗi khi nằm ngủ cha cứ mơ gia đình mình quấn quýt bên nhau, để rồi khi thức dậy nước mắt cha lại tuôn trào trong bàng hoàng của tiếng nấc gọi "con ơi"..." Đó là những dòng tâm sự cuối cùng trong lá thư gửi con gái của một người cha bị kết án tử hình và đang chờ ngày thi hành án. Chúng tôi cũng xin được mượn tâm sự ấy để bắt đầu cho những tâm tư về chuyện ''án tử hình''. Sự sống là cao quý và thiêng liêng


Con người là một biểu trưng cho sự sống trong muôn vàn sự sống khác đang hiện hữu xung quanh. Do vậy, đời sống của con người cần phải được tôn trọng. Trong điều thứ 3 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Hội đồng Liên hiệp quốc đã khẳng định: ''Ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể''. 

Tất cả đều được sinh ra là bởi tình yêu thương của con người, đó là tình yêu thương luyến ái giữa cha và mẹ. Ai cũng được sống, được cảm nhận và sẻ chia trong mọi cung bậc của cảm xúc với thế giới và những người xung quanh. Sự sống thiêng liêng không thể tự đến và không phải được trao tặng bởi một ai hay một thế lực nào đó. Vì vậy, không thể một quyền lực nào, nhân danh cho lý tưởng nào có quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Tước đoạt mạng sống con người cũng chính là tước đoạt đi quyền cơ bản nhất của người đó. 

Án tử hình là điều không thể chấp nhận 

Xu thế chung của toàn cầu là hướng tới việc xây dựng một ngôi nhà chung (xã hội), mà trong đó con người chính là khởi nguồn cho các giá trị của hòa bình, tự do, công lý và lòng nhân ái. Chúng ta và cả xã hội sẽ không thể nào chấp nhận án tử hình vì nó không phải là việc làm thực sự vì công lý. Nó hủy hoại tinh thần hòa ái mà chúng ta đang muốn xây dựng cho xã hội này. 

Đúng hơn, thi hành án tử hình là một hành động của sự trả thù và tàn sát. Nhưng thật trớ trêu, người tử tù thì lại không phải là kẻ thù của quyền lực, không phải là kẻ thù của công lý. 

Công lý là yếu tố cần phải có để giúp duy trì sự công bằng và ổn định cho xã hội, nhưng pháp quyền không thể nhân danh công lý để tự cho mình quyền lấy đi sinh mạng của người khác. Sẽ thật là nghịch lý nếu chúng ta muốn trừng phạt một tội ác mà lại sử dụng một tội ác khác. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn của tội lỗi, lòng thù hận và những nỗi cay nghiệt mà vô tình con người đang bị cuốn chìm trong đó. 

Thiết chế tư pháp của quốc gia cần phải lấy sứ mạng là hòa giải các mối quan hệ cùng những bất ổn trong xã hội. Vậy thử hỏi có thể hòa giải và cân bằng xã hội bằng cách kết án tử hình? Có thể nói, án tử hình là một hành vi của sự tàn bạo. Sự tàn bạo không chỉ nằm ở chỗ hủy diệt sự sống của con người mà bằng việc kết án tử hình sẽ hủy diệt những hy vọng, hủy diệt đi ý nghĩa của sự hối lỗi. Pháp quyền có thể ngăn chặn tội ác bằng cách đưa ra những khung bậc của hình phạt và thực hiện nó như là một thứ rào chắn để cân bằng tình hình xã hội.

Chắc chắn rằng, trong chúng ta không ai là chưa từng lầm lỗi. Nhưng có phải rằng, sau những lỗi lầm lại cho ta những bài học? Sự nếm trải cay đắng từ những lỗi lầm sẽ là động lực để con người được sống một cách mạnh mẽ và ý nghĩa hơn. Vậy thì tại sao lại có thể lỡ cướp đi cả những cơ hội được sống và được làm lại của con người? 

Thêm nữa, án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó không thể đảo ngược được thực tế đã xảy ra. Một khi những điều ngoài mong muốn và ngoài tầm kiểm soát đã xảy ra thì việc quan trọng mà chúng ta có thể làm đó là ngăn chặn để nó không tiếp tục, kèm theo đó có thể là các hình phạt tùy theo mức độ. Điều căn bản của mọi hình phạt là phải mang tính giáo dục. Sự giáo dục là cần thiết để ngăn chặn và giảm thiểu tội ác, đồng thời khi mà những người phạm tội được sự giáo dục để nhận sai và hướng thiện thì chính những người phạm tội ấy sẽ như là một minh chứng cho thành quả của sự giáo dục. 

Công lý và pháp luật không thể nhu nhược trước bất công và những điều xấu ác, nhưng cũng không thể để cho những người nắm quyền lực sử dụng luật pháp một cách bạc nhược, vô ý thức với mạng sống con người.

Bản án tử hình như là một sự thú nhận của việc thất bại mà các nhà lập pháp lựa chọn. Đó là sự đầu hàng trước những các vấn đề của con người và xã hội đang và sẽ phải đối diện. Ngành tư pháp, mà cụ thể là những người lập pháp của một đất nước. Lấy ví dụ như người bác sỹ, họ đã không thể đồng hành và không biết cách đưa ra được cách biện pháp phòng ngừa và chạy chữa cho bệnh nhân của họ. Họ đã hoàn toàn thất bại và chịu đầu hàng một cách vô điều kiện. Đó là thất bại trong sự nhu nhược, và kết cuộc thì thật là cay đắng khi không giữ được mạng sống cho bệnh nhân của mình. Do vậy, việc áp dụng án tử hình chính là thể hiện của sự bế tắc trong giải pháp cân bằng xã hội mà phần ít những quốc gia trên thế giới hiện nay đang còn gặp phải. Án oan... còn đâu những cơ hội Trên thế giới có rất nhiều trường hợp từng bị kết án tử hình oan sai, nhưng sau một thời dài điều tra, thu thập và xử lý hồ sơ thì họ được trả lại công lý. Xin được dẫn một câu chuyện về người tử tù Glenn Ford (Hoa Kỳ) với bản án tử hình và phải ngồi tù oan 30 năm. Vào tháng 12 năm 1984, Glenn Ford bị kết án tử hình vì tội giết người máu lạnh cấp I, mặc dù không nhân chứng và bằng chứng xác đáng. Tuy nhiên, nhờ công sức khó nhọc và sự tận tình của những luật sư làm việc cho dự án Capital Post-Conviction Project of Louisiana, cùng nỗ lực của phòng cảnh sát và phòng công tố quận giáo xứ Caddo, sự thật đã được phát hiện. Glenn Ford vô tội. Ngày 11 tháng 3 năm 2014, ông được phóng thích trước hố đen của cánh cửa tử thần mà ông đã phải chịu đựng trong suốt 30 năm. Nhưng một án tử hình khác cũng nghiệt ngã không kém tiếp tục đến với ông, đó là căn bệnh ung thư phổi. Hiện giờ ông vẫn đang phải tiếp tục chống chọi với căn bệnh nhưng ông vẫn chưa nhận được bất kỳ khoảng bồi thường nào. Bây giờ khi đứng trước người tử tù năm xưa, công tố viên A. M Marty là người đã đưa ra bản án đã chỉ biết day dứt và nói xin lỗi và ... xin lỗi. Công tố viên Marty đã nói: ''Glenn Ford xứng đáng nhận được tất cả những gì mà chúng ta mắc nợ ông theo luật bồi thường. Trường hợp này là một ví dụ khác cho thấy sự tùy tiện của án tử hình. Giờ đây tôi đã nhận ra, một cách đau đớn rằng, là một công tố viên trẻ 33 tuổi, tôi không đủ năng lực để đưa ra quyết định có khả năng cướp đi sinh mạng của một người khác. Không ai nên được trao cho quyền áp dụng án tử hình lên tiến trình xét xử của bất kỳ vụ án nào. Chúng ta đơn giản là không thể áp dụng án tử hình một cách công bằng và vô tư bởi tất cả chúng ta đều là những con người dễ mắc lỗi.'' 


Trên thế giới có rất nhiều người bị tử hình oan trái, mà người bị xử tử chẳng bao giờ có được cơ hội để thấy ngày công lý được thực thi.

Án tử hình có thể sẽ là kẽ hở để cho những người nắm quyền lực quốc gia lợi dụng. Sẽ thật là tàn nhẫn và nguy hiểm khi mà điều đó xảy ra. 

Việt Nam và thời đại Hiện Châu Á đang là khu vực áp dụng nhiều nhất hình phạt án tử hình. Trung Đông và Bắc Phi xếp thứ nhì. 

Tính đến tháng 6 năm 2013, có 97 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, 38 nước không áp dụng hình thức này hơn 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn áp dụng án tử hình trong 10 năm qua. Gần đây nhất là Mông Cổ, Cộng hòa Honduras và Dominican cùng 2 tiểu bang Illinois và Connecticut của Hoa Kỳ cũng đã thực hiện việc bãi bỏ án tử hình. 

Việt Nam từ trước cho tới nay vẫn còn thực thi án tử hình, mặc dù theo thời gian những hình thức áp dụng cho việc xử tử hình có thay đổi. Tuy vậy, trên thực tế cũng đã từng có rất nhiều những vụ án oan sai bị kết án tử hình. Cụ thể là 3 trường hợp gần đây nhất mà dư luận trong và ngoài nước đang chú ý đến đó là các trường hợp: Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa). Trong cả 3 bản án này đều được coi là có nhiều tình tiết xét xử không rõ ràng. Gia đình của các bị cáo cũng đã tha thiết viết đơn và kêu gọi hoãn thi hành án cũng như xin được kháng án. Xử phạt và tinh thần Nhân Bản 

Bằng sai lầm sẽ chẳng thể nào sửa chữa được sai lầm. Thực thi công lý không phải là cách để đối xử với con người một cách tàn ác và vô nhân đạo. Người dân và các nhà lập pháp của một quốc gia chắc chắn đều có đủ lương tri và sự sáng suốt nhất trong các lựa chọn cho những hình thức xử phạt mang tính chất của răn đe hay giáo dục. Theo Thorsten Pachur, nhà tâm lý học, làm việc tại đại học The University of Basel, Switzerland, cho biết: 

''nếu tù nhân nói chung không hiểu rõ hoặc không cân nhắc hậu quả của việc mạo hiểm (phạm tội), thì việc gia tăng hình phạt cũng sẽ không làm giảm tỉ lệ gia tăng của các hành động tội ác”. - (Sciencenews)


Giúp những người phạm tội nhận ra lỗi lầm và cho họ cơ hội để được hòa nhập lại với xã hội nếu họ thực sự đã hối cải không phải là một điều quá khó và không thể thực hiện. 

Vì vậy chúng tôi thiết nghĩ, việc bãi bỏ bản án khắc nghiệt nhất này sẽ là xu hướng toàn cầu hóa cho một xã hội nhân bản hơn. Nơi đó, quyền lợi và các phẩm giá cao quý nhất của con người luôn được tôn trọng. Bên cạnh quyền được sống, con người cần phải có hy vọng để được sống, được sửa sai và cùng hội nhập cống hiến cho xã hội. Với tinh thần nhân bản, luôn lấy con người và xã hội làm đối tượng để hướng tới xây dựng và cải tạo; chúng tôi kêu gọi tất cả cùng ủng hộ cho một Việt Nam tiến bộ và nhân bản:

- Xóa bỏ án tử hình 
- Bỏ án tù chung thân không thời hạn 
- Con người cần được tôn trọng, các hình thức xử phạt phải mang tính giáo dục, tạo cơ hội để người phạm tội hội nhập lại với xã hội 

Án tử hình sẽ như là một lời nguyền đối với bất kỳ xã hội nào tự nhận mình là văn minh. Nó là hành động tàn ác, bạc nhược, khó có thể chấp nhận và sẽ tiếp tục làm phương hại cho các mối liên kết của xã hội. Nó sẽ tiếp tục như thế cho đến khi hình thức xử phạt này được xóa bỏ hoặc sẽ phải bị xóa bỏ vĩnh viễn.

Sẽ chẳng ai mong muốn đất nước mà mình đang sống chất chứa sự trả thù mà trong đó có sự hỗ trợ của quyền lực quốc gia. Án tử hình sẽ là điều không thể thực hiện cho dù việc tử hình được áp dụng dưới bất kỳ hình thức nào. 

Xin đừng để ai đó phải sống với những tháng ngày vô vọng cuối cùng sau song sắt ngục tù và đừng khép lại cánh cửa cuối cùng của cuộc đời một con người.

Nguồn: Fb NBXH

Đăng nhận xét