Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Phật tử dị ứng với lễ Giáng Sinh!? phần 2

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018 | 07:00

6. Việc tác giả Dương Kinh Thành lên án việc dâng hiến nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang năm 1961 là âm mưu của tổng thống họ Ngô trên trang Phathocdoisong là một sự ngụy biện. Bởi đó là con đường tâm linh, bất cứ ai cũng có quyền dâng con dân, đất nước và dân tộc mình cho thần linh mình tôn thờ. Vậy hà cớ chi lại nói là muốn toàn tòng hóa Kitô giáo trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đó đơn giản chỉ là sự tự ti mà thôi. Nếu như thế, chúng ta cũng có quyền phản đối khi các sư cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hay các nạn nhân tại nạn giao thông trong thời gian qua. Bổn phận của mỗi công dân, theo đức tin của mình, luôn nguyện cầu cho quốc thái dân an, hòa bình, công lý và sự thật được thực thi trên đất nước này. Tôn giáo là nguyên cớ gây hòa thuận chứ không phải là căn nguyện của sự chia rẽ. Bởi vậy, đừng gieo rắc nỗi sợ và sự phân biệt. Hãy làm tất cả vì con người và thăng tiến con người hơn là tìm sự khác biệt để công kích và đả phá lẫn nhau.

Vả lại, nếu tìm hiểu cho kỹ, chính vị Tổng thống họ Ngô này đã từng cho xây dựng nhiều chùa chiền và khuếch chương Phật giáo, tuy rằng khác với niềm tin của mình. Ông đã cùng với nội các của mình đón nhận và sắp xếp cho cuộc di cư năm 1954 như thế nào, không phân biệt tôn giáo để hiểu được tâm và tầm của vị lãnh đạo này. Tác giả, sử gia Lê Nguyễn đã có một bài phân tích khá chi tiết về tài của vị Tổng thống Ngô và nội các trong biến cố trên khiến cả thế giới ngưỡng mộ. 

7. Cũng trong  bài viết của tác giả Dương Kinh Thành có đoạn
Thí dụ ở các nước phương Tây hiện nay hầu như ít ai còn hứng khởi để trưng khẩu hiệu mừng lễ Noel trước các khách sạn, nhà hàng, thay vào đó là các biểu ngử chào mừng các ngày nghỉ lâu dài, ngày nghỉ cuối năm như “Happy Holiday”. “Season’s Greeting”v..v..Các nước láng giềng của chúng ta như Sigapore, Maylaysia, Myanmas, cũng từng làm như thế. Ngay như nước Trung Hoa, từ năm 2015 đến nay các trường đại học đều có thông báo nghiêm cấm sinh viên chào đón Noel quá đà, làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời của họ.

Đã có chuyện xảy ra trong đời sống hiện đại, cha mẹ mời bạn bè họ hàng tới mừng sinh nhật con mình đầy năm. Sau bữa tiệc, đứa bé đói lả vì mọi người mải chúc tụng nhau mà quên mất chính đứa bé. Thật không phải khi ăn tiệc sinh nhật của một con người mà chúng ta lại quên mất nhân vật chính trong ngày đó. Bởi vậy, khi những nước muốn thay đổi hay tẩy chay ngày lễ này bằng cách dùng từ khác đi chẳng khác gì lấy mất đi linh hồn của ngày lễ. Điều đó chẳng khác gì trong ngày lễ Phật đản, phật tử tắm phật như một nghi thức tôn giáo mà chẳng mảy may hiểu ý nghĩa của hành động mình làm; hoặc như đêm giao thừa, người ta tranh nhau hái lộc xuân mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó bất chấp hậu quả môi sinh. Bởi vậy, chúng ta đâu thể lấy nó làm quy chuẩn cho chính mình.

Lại nữa, việc các nước Phương tây hay nhiều nước khác thay Merry Christmas thành Happy Holiday hay một từ nào khác cũng chẳng ảnh hưởng đáng là bao. Happy Holiday là chúc mừng ngày lễ thánh. Chỉ Thiên Chúa mới làm cho thời gian trở nên thánh và thánh hóa tất cả những gì dính dáng đến con người. “Season’s Greeting” cũng chẳng khác, vì, chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới được nghỉ ngơi đích thực. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Dân gian Việt Nam chẳng có câu: tránh trời chẳng khỏi nắng đó sao. Vì vậy, chúng ta, những người Kitô giáo cũng chẳng nên thất vọng về điều đó và, anh chị em phật tử cũng chẳng có gì đáng phải buồn khi chúc mừng Giáng Sinh hay ngày lễ thánh hoặc ngày lễ Nghỉ.

Về việc Trung Quốc cấm các trường học chào đón Noel quá đà vì ảnh hưởng đến văn hóa. Thực ra, tìm cho kỹ, đây đâu phải là lý do tôn giáo mà là lý do chính trị. Chúng ta biết rằng, người tin vào Đức Kitô ngày càng tăng mạnh tại Trung quốc. Người tin vào đức Kitô thì không thể nào tuyên bố mình vô thần và vô thần thì chống đối hữu thần. Bởi vậy, Kitô hữu được xem như là một thế lực chống đối dưới con mắt nhà lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản. Đó cũng là lý do họ ngăn cấm mừng lễ Noel và triệt phá thánh giá cùng các nhà thờ. Ngăn cản bởi vì không thể can thiệp và lèo lái được những kẻ tin vào Đức Kitô đích thực

Còn nhiều vấn đề nữa mà các bạn trẻ bức xúc khi thấy các tăng công kích và đả phá tín hữu Kitô. Nhưng tạm dừng ở một số luận điểm liên can đến lễ Giáng Sinh mà thôi. Bài viết cũng khá dài nên đọc cũng hơi mệt. Vì vậy, từ lần mới chia làm hai phần hầu mọi người đọc đỡ mệt mỏi hơn. Bài viết này xuất hiện cũng là bất đắc dĩ bởi sự hối thúc của các bạn trẻ khi thấy mình bị xúc phạm. Các bạn đặt nghi vấn về việc đồng loạt có nhiều bài và nhiều tăng đả phá ngày lễ và tấn công Kitô giáo cách trực diện. Nhưng, đó cũng là một cách các bạn cùng nhau đặt dấu hỏi về đức tin của mình để từ đó củng cố, xây dựng và thăng tiến đức ái. Phật giáo là tôn giáo mở nên chắc chắn, những tư tưởng của các vị này không đại diện tư tưởng phật giáo. Còn với chúng ta, những tín hữu Kitô, chúng ta hãy mở lòng mình ra đón nhận sự khác biệt và tinh túy nơi các tôn giáo khác vì biết rằng: Chúa Thánh Thần vẫn tác động trong tâm trí họ để họ không ngừng tìm kiếm chân lý sự thật và ngày càng thiện lương hơn dẫu họ chưa tin vào Đức Kitô.

Lời cuối chia sẻ với các bạn, dù bạn là Công Giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác, hãy sống hết mình với giáo lý tinh tuyền của tôn giáo mình. Một tôn giáo đích thực thì không khi nào gieo rắc sợ hãi, hận thù và luôn thăng tiến con người. Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau để thăng tiến con người và bảo tồn vũ trụ này. Hãy trọng con người và trọng sự khác biệt bởi chúng ta đang sống trong một  môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tôn giáo. Va chạm là điều không thể tránh khỏi nhưng lớn lên mới là điều đáng giá. Hãy làm cho đức tin của các bạn ngày một lớn mạnh và trưởng thành trong chính tự do của các bạn.


Kính chúc cac bạn một mùa Giáng Sinh tràn đầy bình an. Chúc quý phật tử thân tâm thường an lạc và vui hưởng những ngày lễ nghỉ đầm ấm bên gia đình, người thân. Xin cho Việt Nam được vui hưởng tự do, công lý và hòa bình thực sự.

Đăng nhận xét