Từ lâu, dân Việt mình có quan niệm: nam nhi thì không được khóc. Khi một chàng trai khóc thì y như rằng, mọi con mắt đổ dồn vào và bảo: sao mà yếu đuối như đàn bà.
Khóc là quyền riêng của phụ nữ! Chắc hẳn là vậy khi những đứa trẻ trai khóc, cha mẹ hay người lớn thường bảo: con trai ai lại khóc nhè! Con gái mới khóc chứ! Làm con trai thì không được khóc!
Tại sao lại không được khóc? Ngay cả khi yếu đuối nhất, nó cũng không được khóc? Khóc là chuyện của phụ nữ còn con trai thì phải dấu kín trong lòng sao? Phải chăng, chỉ phụ nữ mới có quyền sống thật còn con trai thì luôn phải đeo mặt nạ.
Thật nực cười khi khóc là điều tự nhiên của con người. Nó là thành phần của cuộc sống. Khóc giúp con người giải tỏa những tâm tư tình cảm của mình. Khóc cũng là cách để bày tỏ quan điểm cá nhân trước một sự kiện và một vấn đề nào đó như cười vậy. Khóc là thế đấy. Khóc ngay khi con người vừa thoát thai khỏi lòng mẹ. Vậy cớ sao không cho đàn ông được khóc.
Tưởng chừng chuyện đàn ông không được khóc là chuyện của giới bình dân. Ai ngờ, nó cũng có luật đấy. Khóc còn bị kết tội nữa là đàng khác.
Người ta bảo: nụ cười mười thang thuốc bổ, cười không đúng chỗ lỗ mười thang. Điều này đúng. Cả khóc cũng vậy. Tuy nhiên, có trường hợp khóc đúng mà vẫn bị lên án thậm chí là lãnh án.
Đó là trường hợp thân nhận của em học sinh Tu Ngọc Thạch bị công an xã đánh chết. Vì bức xúc chuyện của con cháu mình, cả hai la lên: "Công an đánh chết người bà con ơi!" Một cách để thể hiện cảm xúc cá nhân trước việc con em mình bị đánh chết cách oan ức. Hay nói cách khác, đó là tiếng khóc nghẹn lòng trước sự ra đi tang thương của đứa cháu mình. Tuy nhiên, vì thể hiện cảm xúc của mình, cả hai người thân của em đã bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng và chịu án tù 15 tháng. Thật không thể hiểu nổi!
Tôi chưa hiểu tại sao: xưa người ta không cho đàn ông được sống thật và được khóc khi thực sự mình muốn khóc thì nay, người ta không muốn cho người dân được khóc ngay cả trong hoàn cảnh đáng khóc, điều mà người xưa, chẳng ai ngăn cấm.
Khóc trong hoàn cảnh này cho thấy sự liên đới của họ trong tình máu mủ ruột rà.
Khóc trong tiếng lương tâm uất nghẹn.
Khóc trong sự thương cảm thay cho sự vô cảm của những con người đang tâm cướp đi mạng sống của người khác.
Mạng sống của con người chứ đâu phải cỏ rác. Người thân của tôi, khúc ruột của tôi bị cắt đứt lẽ nào nước mắt không rơi. Tại sao? Tại sao tôi không được khóc?
Với chuyện này, không chỉ người đàn ông không được khóc, mà ngay cả đàn bà cũng không được khóc và không có quyền để khóc. Khóc không khéo sẽ bị vu gây rối và tù tội thì thật thảm thương. Tự do để khóc cũng không được mà tự do để yêu thương cũng không xong. Ôi phận người!
Ngẫm lại, theo thầy Giêsu thật hạnh phúc. Xưa thầy đã thổn thức khi con trai duy nhất của bà góa chết và thương giải cứu cho anh được sống. Thầy đã khóc khi bạn của thầy là Lazarô chết rồi đưa anh trở về với chị em Maria và Matta. Thầy đã ngồi yên lắng nghe người phụ nữ tội lỗi khóc và lau chân mình trong khi ông Simon và nhiều người khác than trách về thân phận tội lỗi của chị. Thầy để cho tất cả được tự do và mình cũng được tự do sống thật với con người của mình. Thầy muốn con người là người và làm người đúng nghĩa. Đó chính là lý do mà thầy xuống và đi vào cõi nhân gian này.
Thầy xuống để nói với chúng ta câu chuyện về tình yêu mà người là Tình Yêu. Tình Yêu trời cao để con người được thực sự là người nên Người đã trở nên con người.
Thưa Thầy! Kẻ theo Thầy không phải xin phép được khóc. Nhưng giờ đây, có nhiều người đang cần phải xin mới được khóc đó Thầy. Thầy dạy con là không được vui khi thấy điều gian ác. Vì vậy, trước điều xấu, dù nước mắt có không chảy ra nhưng xin cho con chảy những giọt nước mắt của tình yêu, của cảm thông và chia sẻ. Giọt nước mắt nhằm cứu vớt phận người phận đời. Giọt nước mắt thức tỉnh những lương tâm còn chai đá. Xin hãy dạy con biết khóc. Dạy con biết khóc và biết cười sao cho thật có ý nghĩa và có giá trị vì chỉ
khi nào con học được cách khóc với những ai đang đau khổ là lúc con có thể bắt đầu hiểu họ và yêu thương những người sống quanh mình!
Đọc thêm kết quả phiên tòa và việc bào chữa ngay dưới đây được đăng trên fb của luật sư Võ An Đôn
Mở đầu phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm mỗi bị cáo từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Phần tranh luận, giữa luật sư và đại diện viện kiểm sát tranh cãi gay gắt, viện kiểm sát thì cho rằng vì bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm có lời nói "Công an đánh chết người bà con ơi" đã gây nên ách tắc giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 1A từ 11 giờ đến 15 giờ 30 phút ngày 31/12/2013; còn luật sư thì cho rằng bị cáo Nguyên Văn Ly và Mai Đình Tâm không có hành vi gây rối trật tự công cộng, lời nói "Công an đánh chết người bà con ơi" là do bức xúc trước cái chết đột ngột và oan ức của cháu Tu Ngọc Thạch, học sinh lớp 9, mới 14 tuổi nhưng bị Công an xã Vạn Long đánh chết.
Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử nghị án và tuyên xử: phạt bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm, mỗi bị cáo 15 tháng tù ở.
II- Luận cứ bào chữa của luật sư cho hai bị cáo tại phiên tòa:
kính thưa Hội đồng xét xử !
Tôi là luật sư Võ An Đôn, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên. Tôi được bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm nhờ bào chữa tại phiên tòa này.
Bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm bị Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 245 Bộ luật hình sự.
Qua nghiên cứu các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và qua xét hỏi tại phiên tòa, chúng tôi thấy: không có căn cứ để kết tội bị cáo Nguyên Văn Ly và Mai Đình Tâm phạm tội Gây rối trật tự công cộng như cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh đã quy kết, vì lẽ:
1- Bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm không có hành vi gây rối trật tự công cộng: ngày 31/12/2013 bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm đang hành nghề đánh bắt cá ở vùng biển Ninh Đảo thì nghe tin cháu ruột là Tu Ngọc Thạch bị Công an xã Vạn Long đánh chết.
Khi hay tin bị cáo Ly và Tâm không đánh bắt cá nữa mà cho ghe quay trở về đất liền. Khi về đến nhà thì được người nhà báo tin xác của cháu Tu Ngọc Thạch đang trên đường chở về nhà đã đến ngã tư Cây Duối trên đường Quốc lộ 1A. Khi đến nơi hai bị cáo thấy có hàng ngàn người dân đang tụ tập trên đường Quốc lộ 1A, xe ô tô hai bên đường Quốc lộ 1A đã dừng lại, không còn lưu thông được nữa, nhưng không nhìn thấy xe chở quan tài cháu Tu Ngọc Thạch. Nhìn thấy cảnh tượng trên hai bị cáo bức xúc vừa chạy, vừa la "Công an đáng chể người bà con ơi".
Việc bị cáo Ly và Tâm la "Công an đánh chết người bà con ơi" không phải là hành vi gây rối trật tự công cộng, mà đó chỉ là sự bức xúc của hai bị cáo trước cái chết đột ngột của cháu Tu Ngọc Thach bị Công an xã Van Long đánh chết.
Việc bị cáo Ly và Tâm la "Công an đánh chết người bà con ơi" là sự việc có thật, chứ không phải là lời nói bịa đặc nhằm mục đích kích động nhân dân gây rối trật tự công cộng.
Do đó, bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm không có hành vi gây rối trật tự công cộng như cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh đã quy kết.
2- Việc truy tố bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" là nhằm mục đích gây áp lực đối với gia đình cháu Tu Ngọc Thạch: qua sự phân tích nêu trên, chúng tôi thấy bị cáo Ly và Tâm không có bất kỳ hành vi gây rối trật tự công cộng nào.
Lời nói "Công an đánh chết người bà con ơi" chỉ là thể hiện sự bức xúc của hai bị cáo trước cái chết bất ngờ và oan ức của cháu Tu Ngọc Thạch bị Công an xã Vạn Long đánh chết.
Nếu vì mục đích bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vạn Ninh không khởi tố hàng ngàn người dân đã tụ tập trên đường Quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền, mà chỉ khởi tố bị cáo Ly và Tâm là cậu ruột và bác họ của cháu Tu Ngọc Thạch, vì trước khi bị cáo Ly và Tâm la "Công an đánh chết người bà con ơi" đã có hàng ngàn người dân tụ tập trên đường Quốc lộ 1A làm ách tắc giao thông rồi.
Do đó, việc truy tố bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" là nhằm mục đích gây áp lực đối với gia đình cháu Tu Ngọc Thạch, vì đến nay gia đình cháu Tu Ngọc Thạch vẫn tiếp tục yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa xử nghiêm những người đã đánh chết cháu Tu Ngọc Thạch.
3- Cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh truy tố người không có tội: qua sự phân tích và trình bày nêu trên, chúng tôi thấy bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm không có bất kỳ hành vi gây rối trật tự công cộng nào, nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh lại truy tố hai bị cáo phạm tội Gây rối trật tự công cộng là quá oan cho hai bị cáo.
Thưa Hội đồng xét xử !
Căn cứ vào sự trình bày nêu trên của chúng tôi. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn Ly và Mai Đình Tâm không có tội.
Trên đây là quan điểm bào chữa của tôi đối với hai bị cáo. Kính mong Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.
Cảm ơn Hội đồng xét xử !
Đăng nhận xét